Nâng cao kiến thức về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

NDO -

Trong thời gian qua, xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Trong đó, vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc được chú trọng. Tuy nhiên, trước yêu cầu từ thực tế, càng ngày các chỉ tiêu về nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu càng được nâng lên.

0:00 / 0:00
0:00
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mang lại những kết quả to lớn, toàn diện.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mang lại những kết quả to lớn, toàn diện.

Những định hướng mới trong xây dựng nông thôn mới

Để các địa phương đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ ngày 15 đến 17/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chuỗi 3 hội nghị tập huấn một số kiến thức về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, cả nước có 6.009/8.225 xã (73,08%) đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39,6% số huyện cả nước).

Tính đến thời điểm này, 18 địa phương cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối Nông Thôn mới Trung ương cho biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là được những kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử.

Nâng cao kiến thức về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ảnh 1
Chương trình xây dựng nông thôn mới làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Trong đó, vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc được chú trọng. Kinh tế nông thôn đã có sự thay đổi lớn, tác động trực tiếp đến thu nhập và đời sống của người dân nông thôn.

Trên cơ sở kết quả đạt được của Chương trình giai đoạn đến năm 2020, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhiều mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ của giai đoạn này đã có sự thay đổi, bên cạnh 11 nội dung thành phần, đã ban hành 6 chương trình chuyên đề.

Đến thời điểm này, đã có trên 70 văn bản pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được ban hành; cơ bản đầy đủ để các các bộ, ngành trung ương và địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

Ban đầu trong mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới là các địa phương phấn đấu đạt được chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều xã nông thôn mới đang nâng chất lên thành nông thôn mới nâng cao và trở thành nông thôn mới kiểu mẫu.

Sau nông thôn mới kiểu mẫu, sẽ nâng cấp lên thành “Nông thôn mới Smart”, tức là nông thôn mới thông minh. Nông thôn mới Smart là ứng dụng chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của xã, thôn, xóm… từ việc lắp các camera an ninh trên các đường làng ngõ xóm, ứng dụng internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo vào điều khiển sản xuất nông nghiệp và mọi mặt trong đời sống nông thôn.

“Hội nghị tập huấn lần này hướng tới mục tiêu thông tin những định hướng mới trong xây dựng nông thôn mới, trao đổi và phổ biến những vấn đề mới như: Ứng dụng công nghệ thông tin (chuyển đổi số) trong nông nghiệp nông thôn; phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn; vấn đề kinh tế hợp tác, hợp tác xã, cơ giới hóa đồng bộ, vấn đề quản lý chất lượng nông sản…”, ông Sơn chia sẻ.

Hướng tới phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho rằng phát triển kinh tế nâng cao thu nhập của người dân nông thôn vẫn là ưu tiên cốt lõi của Chương trình nông thôn mới.

“Tổ chức lại sản xuất, đưa nông dân vào hợp tác xã và phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức” – đây sẽ là cuộc “cách mạng mới” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tính đến hết tháng 12/2022, cả nước có khoảng 19.500 hợp tác xã nông nghiệp và 91 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, đã có 4.028 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 145 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động trực tiếp tham gia xuất nhập khẩu và khoảng 1.200 hợp tác xã là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 40% sản phẩm OCOP cả nước.

Các hợp tác xã bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, những người đã qua đào tạo về làm việc. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các hợp tác xã (theo Thông tư 340/TT-BTC) cả nước đã thu hút được trên 833 lao động qua đào tạo cao đẳng, đào tạo về làm việc cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Nâng cao kiến thức về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ảnh 2

Phát triển kinh tế nâng cao thu nhập của người dân nông thôn vẫn là ưu tiên cốt lõi của Chương trình nông thôn mới.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian tới cần tôn trọng quy luật khách quan, một mặt không can thiệp sâu vào sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, mặt khác phải giúp cho các hợp tác xã tham gia các chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số và sản xuất theo định hướng của thị trường.

Mặc dù vậy, chất lượng hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã vẫn được xem là còn nhiều hạn chế. Hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh như kho bãi, nhà xưởng, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản còn sơ sài. Đặc biệt là năng lực quản lý, quản trị sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, khả năng tiếp cận vốn khó khăn do tài sản chung của hợp tác xã nhỏ bé, không có tài sản thế chấp; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh chưa minh bạch.

Theo ông Thịnh, đến hết năm 2022, cả nước có 2.038 chuỗi liên kết sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, có 1.250 hợp tác xã nông nghiệp tham gia và các hình thức liên kết rất đa dạng. Cốt lõi của cơ chế sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản là cơ chế quản lý sản xuất theo hợp đồng, nhờ vậy phát huy ưu thế của doanh nghiệp trong việc giải quyết 3 vấn đề: Thị trường và thương hiệu; Áp dụng công nghệ mới; Vốn kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp mua, chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản trở thành chủ thể lãnh đạo chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn.

Việc hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới cần tuân thủ đúng bản chất của hợp tác xã là tổ chức kinh tế tương trợ, tự lực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tập trung để nâng cao hiệu quả hoạt động, không chạy theo thành tích về số lượng hợp tác xã.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh

Đề cập về chương trình hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết nông sản, ông Thịnh cho hay các tỉnh, thành phố đã phê duyệt được 933 dự án, kế hoạch liên kết để làm hồ sơ xin hỗ trợ. Tổng kinh phí các dự án được duyệt là 1.921 tỷ đồng (bình quân 3,3 tỷ đồng/dự án), trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 767 tỷ đồng (chiếm 40%), còn lại 60% kinh phí do các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đối ứng. Trong số các dự án liên kết được phê duyệt, có 536 hợp tác xã và 213 doanh nghiệp tham gia.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng việc hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới cần tuân thủ đúng bản chất của hợp tác xã là tổ chức kinh tế tương trợ, tự lực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tập trung để nâng cao hiệu quả hoạt động, không chạy theo thành tích về số lượng hợp tác xã.

“Quan trọng là phải giúp cho các hợp tác xã đổi mới tư duy trong sản xuất, kiến kết sản xuất và nâng cao năng lực tự quản lý, quản trị hoạt động của hợp tác xã. Các hợp tác xã cần đẩy mạnh thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, cải tiến mẫu mã đáp ứng yêu cầu chất lượng các sản phẩm hàng hóa của thị trường, người tiêu dùng; cải thiện năng lực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản và nguyên liệu nông sản cho các nhà máy, doanh nghiệp đầu ra”, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.