Năm 2023, nắng nóng xuất hiện sớm, dự báo sẽ kéo dài hơn năm 2022

NDO - Nắng nóng năm 2023 đã xuất hiện sớm, dự báo có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn so năm 2022. Đó là thông tin được ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 diễn ra chiều 20/4.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, nắng nóng xuất hiện sớm, dự báo sẽ kéo dài hơn năm 2022

Bão xuất hiện trên Biển Đông vào cuối tháng 6

Ông Trần Hồng Thái thông tin, từ nay đến tháng 5/2023, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện và có khả năng xuất hiện trên Biển Đông từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023.

“Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng xấp xỉ với trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền). Bão sẽ hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông từ tháng 8-10/2023 và giảm dần từ tháng 11”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dự báo.

Theo ông Trần Hồng Thái, mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ và tương đương ở khu vực Bắc Bộ.

Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ, lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm; khả năng xảy ra mưa to cuối tháng 5, đầu tháng 6 ở Bắc Bộ như năm 2022 là thấp.

Tại khu vực Trung Bộ lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7-9/2023. Tuy nhiên, từ tháng 10-12/2023, thời điểm chính của mùa mưa tại Trung Bộ, lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm tại khu vực này. Xu hướng thiếu hụt mưa có thể kéo dài sang đầu năm 2024.

Năm 2023, nắng nóng xuất hiện sớm, dự báo sẽ kéo dài hơn năm 2022 ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 diễn ra chiều 20/4.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa dự báo từ xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng 6 đến tháng 9/2023, tuy nhiên từ tháng 10 đến hết năm 2023 lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Như vậy, mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kết thúc sớm hơn so với trung bình và ít mưa trong những tháng mùa khô năm 2024.

Thông tin về tình hình lũ và ngập lụt, ông Thái cho biết, tại khu vực Bắc Bộ, mùa lũ năm 2023 trên các sông suối ít có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1-báo động 2, tương đương năm 2022, thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-báo động 3, các đợt lũ chủ yếu tập trung trong các tháng 7-9.

Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc.

Theo ông Trần Hồng Thái, trong các tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ và đến hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà, sông Gâm, sông Chảy thiếu hụt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Từ tháng 4-6/2023, có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Về tình hình triều cường, sóng lớn, đơn vị khí tượng thủy văn dự báo tại ven biển Đông Nam Bộ trong tháng 10-12 năm 2023 có 5 đợt triều cường cao vào các khoảng thời gian từ 1-3/10/2023, 27-30/10/2023, 15-18/11/2023, 27-30/11/2023 và 14-17/12/2023.

Nguy cơ cao ngập úng ở những vùng trũng, thấp tại ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao tại các tỉnh khu vực Đông Nam bộ nhất là trong trường hợp trùng với kỳ gió chướng hoạt động mạnh tại khu vực.

Tại ven biển Trung Bộ, nguy sạt lở đê biển, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp ven biển, cửa sông vào các tháng cuối năm (từ tháng 9-12) do triều cường kết hợp với nước dâng và sóng lớn trong bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa mạnh ảnh hưởng tại khu vực.

Vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: Thiên tai đang diễn biến ngày một cực đoan, khó lường hơn.

“Trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt đó, cộng đồng các địa phương đã rất trách nhiệm để hạn chế thiệt hại. Công tác phòng ngừa được chú trọng nhiều hơn. Việc tập huấn cũng đã sát hơn với thực tế. Công tác cảnh báo, dự báo có nhiều chuyển biến. Công tác ứng phó ngày một kịp thời. Việc khắc phục có sự tham gia của nhiều người, nhiều lĩnh vực hơn, trong đó có tổ chức quốc tế…” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tuy nhiên, vẫn còn đó 4 hạn chế. Đáng tiếc nhất là vẫn còn người chết và mất tích vì thiên tai. “Tổn thất này là rất lớn vì sinh mạng con người là vô giá…” - Phó Thủ tướng nói.

Năm 2023, nắng nóng xuất hiện sớm, dự báo sẽ kéo dài hơn năm 2022 ảnh 3

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, kế hoạch phòng, chống thiên tai có nơi chưa sát thực tế, có nơi còn chủ quan. Công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thái thiên tai chưa có độ tin cậy cao. Khả năng chống chịu trên tổng thể của Việt Nam cũng yếu hơn trước đây, mà nguyên nhân lớn là đầu tư cho công tác ứng phó thiên tai không tăng.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, các bộ, ngành, địa phương cần sẵn sàng tâm thế là công tác phòng, chống thiên tai sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư chưa được cải thiện, cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai.

Đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt 4 giải pháp. Thứ nhất, thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh các chủ trương, chính sách về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn. Thứ hai là tập trung cho công tác phòng ngừa nhiều hơn.

Thứ nữa là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, cần tập trung nguồn lực cho công tác cảnh báo, dự báo, để dự báo, cảnh báo kịp thời hơn, bởi dự báo không đúng thì hệ luỵ khôn cùng. Và thứ tư là tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, để xây dựng ý thức chung trong cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng mong muốn các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ và dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với phòng, chống thiên tai. Đồng thời, có sự chăm sóc, đầu tư tốt hơn sau thiên tai cho các vùng bị ảnh hưởng