Đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

NDO -

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các nội dung đưa vào Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cần rõ ràng, tránh trường hợp có thể hiểu theo nhiều cách.

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự cuộc họp có các thành viên trong Hội đồng thẩm định, các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thủy lợi là quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng được quy định tại Luật Quy hoạch.

Ngày 9/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 995/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi. Đến nay, chưa có một quy hoạch ở quy mô quốc gia về phòng, chống thiên tai và thủy lợi.

Hệ thống các quy hoạch thủy lợi lưu vực sông, vùng, quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều của nước ta trước đây đã được lập và triển khai thực hiện qua nhiều thời kỳ mới chủ yếu giải quyết từng mục tiêu, đối tượng, vùng miền, lưu vực sông riêng lẻ, chưa có sự liên hệ, kết nối ở phạm vi quốc gia.

Các quy hoạch về thủy lợi và phòng, chống thiên tai trước đây cũng chưa thể hiện được hết nhiệm vụ về cấp nước, thoát nước, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất và lượng của nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, với những biến động về nguồn nước và yêu cầu dùng nước hiện nay, cần đặt ra vấn đề chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước giữa các mùa và vùng.

Bên cạnh đó, biến động về nguồn nước, khí hậu, thiên tai và nhu cầu phục vụ của các ngành kinh tế xã hội cũng đặt công tác phòng, chống thiên tai và thủy lợi hiện nay trước nhiều thách thức lớn, như: nguồn nước trên các lưu vực sông của Việt Nam đang có biến động mạnh do: biến đổi khí hậu, phát triển thủy điện, gia tăng sử dụng nước, chuyển nước lưu vực ở thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế... đang có tác động tiêu cực đến hoạt động thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh trên phạm vi cả nước gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, như: thay đổi dòng chảy tự nhiên, hạ thấp mực nước trên các dòng sông, gia tăng ô nhiễm nước, cản trở khả năng tiêu, thoát lũ làm gia tăng ngập úng (nhất là tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh)... Nhu cầu về vốn đầu tư cho xây dựng công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống ngập, úng đề xuất trong các quy hoạch thủy lợi, đê điều rất lớn, trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế, việc đầu tư dàn trải, chưa đồng bộ theo quy hoạch trong thời gian qua dẫn đến hiệu quả chưa cao...

Xuất phát từ những vấn đề trên, việc lập Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cần thiết nhằm phát triển kinh tế-xã hội đất nước nhanh và bền vững.

Tại cuộc họp, các ý kiến phản biện của chuyên gia, cũng như ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và địa phương liên quan đều đánh giá cao sự cần thiết phải có của quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, quy hoạch phải nghiên cứu kỹ hơn nữa về tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh ở lưu vực hai sông lớn là sông Hồng và sông Cửu Long. Đặc biệt, biến đổi khí hậu thực tế đang diễn ra gay gắt hơn dự báo rất nhiều, chính vì vậy, Ban Dự thảo cần nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn để đưa ra quy hoạch hợp lý. Mặt khác, vấn đề nguồn vốn thực hiện quy hoạch cũng cần cụ thể, chi tiết đến từng hạng mục để có cơ sở cung cấp vốn, tránh dàn trải và thiếu vốn.

Ngay trong cuộc họp, Hội đồng thẩm định đã lấy ý kiến của các thành viên về việc ban hành Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030. Với 22/27 thành viên tham gia cuộc họp đã có 12 ý kiến thông qua dự thảo quy hoạch không chỉnh sửa, 10 ý kiến đồng ý thông qua có chỉnh sửa.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc quy hoạch phòng, chống thiên tai là công việc cấp thiết để phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn.

Phó Thủ tướng mong muốn các thành viên trong Hội đồng thẩm định ghi nhận đóng góp của các bộ, ngành, địa phương liên quan, sớm hoàn thiện dự thảo quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ trong những ngày tới.