Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, với địa thế được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín có tổng chiều dài 584,6km, nên việc thường xuyên tu bổ, gia cố và quản lý công trình đê điều của địa phương có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão.
Năm nay, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ cuối tháng 6, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực Biển Đông và di chuyển phức tạp; tổng lượng mưa ở các khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các địa phương xây dựng và phê duyệt các phương án trọng điểm xung yếu đê, kè, cống; kế hoạch di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm và triển khai các cụm phòng, chống lụt bão trước ngày 20/5.
Các huyện, thành phố trên địa bàn chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/5.
Việc duy tu, bảo dưỡng và phát huy hiệu quả các trạm bơm góp phần quan trọng vào việc tưới tiêu vùng nội đồng, tránh úng lụt cho nhiều diện tích sản xuất của tỉnh Thái Bình. |
Bên cạnh đó, xây dựng phương án chống úng cho các vùng trọng điểm; triển khai công tác tu bổ, sửa chữa, nâng cấp công trình trạm bơm, cống đập, bờ vùng và các loại phương tiện bơm tát trước ngày 20/6.
Tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu toàn diện với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác đê điều, thủy lợi; điều động nhân lực, vật lực dự trữ; giám sát các địa phương thực hiện sản xuất đúng thời vụ và xây dựng kế hoạch chuẩn bị giống cây, giống con, phân bón phục hồi sản xuất sau thiên tai.
Khi có thiên tai xảy ra, phải chủ động ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng bị ảnh hưởng.