Mức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam còn thấp trong khu vực

NDO - Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện bình quân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn thấp so với khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Trang trại bò sữa Organnic tiêu chuẩn châu Âu tại Lâm Đồng.
Trang trại bò sữa Organnic tiêu chuẩn châu Âu tại Lâm Đồng.

Ngày 23/9, tại thành phố Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2022 và thúc đẩy đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, hiện bình quân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi (người/năm) của Việt Nam đạt khoảng 55-57kg thịt hơi các loại, khoảng 130 đến 135 quả trứng và khoảng 13-5kg sữa tươi.

Mức tiêu thụ này đạt thấp so với khu vực, như mức tiêu thụ thịt chỉ bằng 84% Hàn Quốc, trứng bằng 50% Nhật Bản, sữa bằng 40% trung bình châu Á.

Cơ cấu thịt lợn, thịt gia cầm và thịt gia súc ăn cỏ đang có xu hướng thay đổi trong giỏ thực phẩm của người dân, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm chế biến có xu hướng tăng.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe, tiêu dùng các loại sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng hiện tại ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo thống kê, so với cùng kỳ năm 2021, tại thời điểm tháng 8/2022, đàn lợn trong cả nước tăng 6,8%, đàn gia cầm tăng 3,6%, đàn bò tăng 3,4%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 4,71 triệu tấn, tăng 5,2%; hơn 12,3 tỷ quả trứng và gần 786 nghìn tấn sữa; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng khoảng 5,5%.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn dịch bệnh; chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ngành cũng tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện tốt các đề án.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, ngành chăn nuôi tập trung giải quyết vấn đề về giống, chủ động về thức ăn chăn nuôi và cải thiện môi trường chăn nuôi; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số để bảo đảm sự phát triển.

8 tháng qua, sản lượng sản phẩm chăn nuôi cùng với sản lượng nhập khẩu hơn 404 nghìn tấn thịt. Trong đó, thịt lợn 25,3%, thịt gà 31,4%, thịt trâu bò (không bao gồm lượng động vật sống nhập khẩu về để giết mổ) chiếm 43% và 0,3% là thịt động vật khác, bảo đảm đủ cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước.

Kế hoạch năm 2022, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi tăng khoảng 5 đến 6% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn; trong đó, thịt lợn hơn 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm khoảng 2 triệu tấn, sản lượng trứng hơn 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%), sản lượng sữa khoảng 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%).