Tổng đàn chăn nuôi bò sữa ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh

NDO - Trong 2 năm 2020 và 2021, tổng đàn bò sữa ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm gần 17% và giảm 0,31% số hộ chăn nuôi.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 19/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi bò sữa” thu hút đông đảo các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận tham dự.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương phát triển chăn nuôi bò sữa lớn trong vùng và cả nước. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ, từ năm 2015 đến nay, tổng đàn bò và bò sữa của thành phố suy giảm số lượng nhanh chóng.

Trong nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa như đô thị hóa, công nghiệp hóa, quy mô chăn nuôi không đủ lớn để tạo ra lợi thế kinh tế…, thì yếu tố về lợi nhuận là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đàn bò sữa của thành phố giảm mạnh.

Theo thống kê, tổng đàn bò sữa của thành phố năm 2022 hơn 60 nghìn con được nuôi tại 4.122 cơ sở chăn nuôi và 1 trang trại quốc doanh. Trong 2 năm 2020 và 2021, tổng đàn bò sữa đã giảm gần 17% và giảm 0,31% số hộ chăn nuôi.

Mục tiêu đến năm 2025, thành phố duy trì đàn bò sữa ổn định với tổng đàn 61 nghìn con. Trong đó, cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm 60-70% và đàn cái vắt sữa chiếm 50% tổng đàn, năng suất sữa bình quân đạt 17-19kg/con/ngày.

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, muốn phát triển ngành bò sữa và cạnh tranh hiệu quả, thành phố phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về phương thức tổ chức sản xuất, quy mô, công nghệ và thị trường tiêu thụ. Trong đó, tập trung giải quyết các điểm yếu về năng suất, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất bò sữa theo định hướng tái cơ cấu đàn ở thành phố và các địa phương lân cận nhằm tạo ra sự phát triển bền vững và gia tăng giá trị.

Thành phố cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nuôi nhỏ lẻ dưới 20 con chuyển đổi sang các ngành nghề khác vì không có hiệu quả kinh tế. Tập trung hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công về khoa học công nghệ giống, kỹ thuật chăn nuôi, thú y và quản lý nông trại cho các hộ gia đình nuôi bò sữa, nhất là các hộ có quy mô từ 50 con trở lên để tăng hiệu quả kỹ thuật, kinh tế.

Nghiên cứu áp dụng mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân chăn nuôi bò sữa dưới hình thức bán cổ phần ưu đãi cho người nuôi, hoặc giá trị hóa đàn bò như vốn góp cổ phần để người nuôi hưởng lợi thêm từ lợi tức của ngành chế biến sữa, góp phần cải thiện sự công bằng và hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến sữa.