“Chìa khóa” thúc đẩy ngành chăn nuôi

Có ý kiến cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong giai đoạn hội nhập thì việc phòng, chống dịch bệnh tốt cho vật nuôi và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là “chìa khóa” chính. Hiện nhiều địa phương đang tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, từng bước tiến tới nhân rộng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong cả nước.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của cả nước cơ bản được kiểm soát tốt. Các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm (dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, Gumboro…) được phát hiện, xử lý kịp thời nên không gây ra dịch lớn. Hiện đã có các loại vaccine (nhiều loại được sản xuất trong nước) để phòng những bệnh này.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ổ dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện ở các địa phương, nhưng so với cùng kỳ năm trước đều giảm về số ổ dịch và số gia cầm, gia súc, lợn phải tiêu hủy.

Quyền Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long chia sẻ, có được kết quả khả quan nêu trên là do Cục đã chủ động phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Đơn cử như tại tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua có một số con bò bị lở mồm long móng, song Chi cục Thú y vùng VII đã xử lý ngay nên dịch không lan ra. Về vaccine cúm gia cầm, hiện hệ thống thú y đã cung ứng 261,5 triệu liều, bảo quản tại kho của doanh nghiệp 68,8 triệu liều, dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý III là 160 triệu liều.

Với vaccine lở mồm long móng, số liều cung ứng là 22,6 triệu, tại kho của doanh nghiệp có 10 triệu liều, dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý III là 11 triệu liều. vaccine viêm da nổi cục trên trâu, bò, tổng cung ứng 1,5 triệu liều, trong kho của doanh nghiệp có 861.780 liều và kế hoạch nhập quý III là 1 triệu liều…

Hiện cả nước có 2.329 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 50 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, gồm: 1.052 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.131 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 146 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.
Riêng khu vực Đông Nam Bộ có 575 cơ sở chăn nuôi gia cầm và 567 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh còn hiệu lực với một hoặc nhiều bệnh trên gia súc.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm, hiện thành phố có 38 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, gồm:

Bốn cơ sở chăn nuôi bò, 20 cơ sở chăn nuôi lợn và 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Cùng với đó, Chi cục tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý ngay khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra. Đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện tiêm phòng vaccine đại trà và bổ sung hằng tháng cho vật nuôi, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt hơn 80% tổng đàn. Đồng thời triển khai hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật tại tám quận còn lại trên địa bàn.

Bên cạnh những mặt làm được, cũng còn nhiều thách thức mà ngành thú y phải đối mặt. Đó là, việc tuyên truyền, cập nhật thông tin và các văn bản chỉ đạo về công tác thú y ở địa phương vẫn chậm, nhất là ở cấp huyện và cấp xã chưa chủ động lập kế hoạch và bố trí kinh phí triển khai phòng, chống dịch bệnh.

“Chìa khóa” thúc đẩy ngành chăn nuôi ảnh 1

Lực lượng thú y cơ sở tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. (Ảnh: THU DỊU)

Hệ thống thú y cấp huyện nhiều nơi bị xáo trộn, mạng lưới thú y cơ sở mỏng, yếu nên công tác giám sát, quản lý dịch bệnh chưa tốt. Chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ thú y theo quy định, chưa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi ở một số nơi còn thấp. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vaccine. Nhận thức của nhiều nông hộ còn hạn chế, do đó khi có vật nuôi ốm chết không báo ngay cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y, không chủ động tiêu hủy gia súc mắc bệnh hoặc chờ chết mới tiêu hủy, dẫn tới dịch bệnh lây lan.

Mặt khác, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết phức tạp đã tạo điều kiện để virus gây bệnh lưu hành rộng rãi, khiến công tác phòng, chống dịch bệnh gặp khó khăn…

Theo các chuyên gia, để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra đối với vật nuôi, giảm tổn thất về kinh tế, cần thực hiện ngay một số giải pháp như: Bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, bảo đảm ít nhất hơn 80% tổng đàn, nhất là các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò. Hướng dẫn nông hộ tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực chung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc-tơ truyền bệnh.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, hệ thống thú y và các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ về thuốc, vaccine, hoạt động giết mổ và phòng, chống dịch bệnh để tạo ra “lá chắn thép” cho đàn vật nuôi với tinh thần nắm chắc thực tế, sâu sát với địa bàn; góp phần vào sự phát triển của ngành chăn nuôi.