Ngành chăn nuôi khởi sắc từ “làn sóng” đầu tư

Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước triển khai thực hiện theo mô hình chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ với dây chuyền hiện đại, thật sự gây ấn tượng và khởi sắc; đồng thời cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển ổn định.
0:00 / 0:00
0:00
Chăm sóc bò sữa tại Cụm trang trại của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). (Ảnh: THANH TUẤN)
Chăm sóc bò sữa tại Cụm trang trại của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). (Ảnh: THANH TUẤN)

Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ngày càng nhiều, trong số 14.800 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn với trình độ, năng lực công nghệ cao, như: Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus (Hà Lan), Tập đoàn Mavin, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Vinamilk, Tập đoàn TH...

Đơn cử như Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn (Nghệ An), có đàn bò 45 nghìn con (dự kiến sẽ lên đến 200 nghìn con vào năm 2025), áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại của các nước Israel, New Zealand, Nhật Bản, Hà Lan trong tất cả các khâu của quy trình khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch, sản lượng đạt 250 nghìn tấn sữa/năm. Nhờ đó, Tập đoàn đã nâng cao giá trị sản xuất từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/ha lên 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha.

Mới đây, Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam đã tổ chức Lễ khánh thành trang trại chăn nuôi lợn giống tại tỉnh Tây Ninh, với công nghệ cho ăn tự động giúp quản lý tốt lượng thức ăn theo khẩu phần phù hợp, thiết kế máng ăn khoa học giúp đàn lợn phát triển đồng đều về trọng lượng; sử dụng giải pháp biến tần trong hệ thống thông gió giúp điều hòa không khí thoáng mát, loại bỏ hơi ẩm, bụi bẩn và các vi sinh vật gây bệnh để lợn có sức khỏe tốt. Trang trại có quy mô 30 nghìn con lợn hậu bị, dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường từ 60 nghìn đến 75 nghìn con/năm.

Trước đó, ở tỉnh Gia Lai, đã diễn ra Lễ khởi công Dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng, chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm: chọn lọc, sản xuất lợn giống, gà giống; nhà máy giết mổ lợn tự động; sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Tiếp đến là Tổ hợp nhà máy CPV FOOD của Công ty TNHH CPV FOOD (thành viên của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam) được xây dựng trên diện tích hơn 10ha ở huyện Chơn Thành (Bình Phước), với tổng vốn đầu tư hơn 250 triệu USD, có quy mô hiện đại và lớn nhất khu vực Đông Nam Á; hoạt động theo mô hình chuỗi khép kín hoàn chỉnh gồm: nhà máy thức ăn chăn nuôi, trang trại gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng, trang trại gà thịt, nhà máy giết mổ và chế biến cùng với hệ thống xử lý phế phẩm. Giai đoạn 1, công suất chế biến của nhà máy đạt 50 triệu con/năm và tăng lên 100 triệu con/năm trong giai đoạn 2.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đang sở hữu trang trại nuôi lợn công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An với quy mô 250 nghìn con lợn thịt/năm... Thực tế cho thấy, việc có nhiều doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn theo chuỗi khép kín (sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ-chế biến), qua đó giúp kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất cũng như chi phí đã đem lại nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý. Nhiều doanh nghiệp hy vọng, tương lai Việt Nam có thể xuất khẩu thịt lợn chính ngạch ra thị trường quốc tế, giống như câu chuyện thành công xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản trong mấy năm qua. Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, với sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp, thời gian tới chăn nuôi Việt Nam sẽ “thay da đổi thịt”.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển cần tháo gỡ một số “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách liên quan đến nguồn vốn và đất đai. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, Võ Việt Dũng chia sẻ, hiện tại mỗi tháng công ty cung cấp khoảng 300 tấn thịt lợn ra thị trường và đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến; trong khi thành phố có tốc độ đô thị hóa cao, cho nên việc thuê đất sản xuất cũng không dễ.

Do vậy, để có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (trong đó có chăn nuôi), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó các doanh nghiệp đã có sản phẩm trứng và thịt gà sang các thị trường trên thế giới có thể mở rộng quy mô sản xuất để thêm nhiều sản phẩm. Tiếp tục mở thị trường và xuất khẩu sản phẩm gia cầm chế biến vào các thị trường tiềm năng (Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines...).

Đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; đồng hành và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, đến hết năm 2022 nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 16.400, có nhiều mặt hàng chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.