Trong chương trình “Xây Tết 2025”, Báo Nhân Dân phối hợp Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons trao quà Tết cho công nhân tại công trường ở Đà Nẵng. (Ảnh THANH TÂM)
Trong chương trình “Xây Tết 2025”, Báo Nhân Dân phối hợp Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons trao quà Tết cho công nhân tại công trường ở Đà Nẵng. (Ảnh THANH TÂM)

Mức thưởng bình quân Tết Ất Tỵ của người lao động đạt hơn 7,7 triệu đồng

NDO - Mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay cao nhất là 1,908 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh.

NHIỀU CHÍNH SÁCH VÀ PHÚC LỢI HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG DỊP TẾT

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã dần cho lao động nghỉ Tết, chi trả lương, thưởng cuối năm và các phúc lợi khác cho người lao động.

Trong dịp Tết, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chính sách và phúc lợi nhằm hỗ trợ cho người lao động, phần lớn là thưởng Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch.

Một số doanh nghiệp hỗ trợ nơi ở tạm thời; hỗ trợ chi phí di chuyển cho người lao động về quê ăn tết. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn có các phúc lợi khác như tặng tiền mặt, quà tết, hoặc thưởng lương tháng thứ 13 cũng được thực hiện để bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đón Tết.


Trong dịp Tết, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chính sáchphúc lợi nhằm hỗ trợ cho người lao động, phần lớn là thưởng Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch.


Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025” hỗ trợ vé tàu khứ hồi cho 1.750 đoàn viên, người lao động từ các tỉnh miền nam ra miền bắc và hỗ trợ chuyến bay Công đoàn, đưa 400 công nhân về quê với hai chặng: Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - Vinh.

Chương trình “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025” hỗ trợ vé tàu khứ hồi cho 1.750 đoàn viên, người lao động từ các tỉnh miền nam ra miền bắc. Chuyến bay Công đoàn hỗ trợ đưa 400 công nhân về quê.

Trước đó, tình hình lao động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ghi nhận nhu cầu tuyển dụng thời vụ tăng cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu Tết.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính nhu cầu cần tuyển dụng lao động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là 28.525 vị trí làm việc và tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại-dịch vụ, chiếm tới gần 70%. Đa số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoặc tăng thưởng Tết để giữ chân nhân viên, trong khi nhiều lao động ngoại tỉnh về quê sớm cũng có thể dẫn tới thiếu hụt nhân lực cục bộ.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hiện tượng doanh nghiệp chậm trả lương và thưởng tháng 13 gây khó khăn cho người lao động trước kỳ nghỉ Tết.

Dự báo sau Tết, thị trường lao động cũng sẽ gặp một số biến động như một số lực lượng lao động có thể không quay lại (chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I năm 2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Các doanh nghiệp thường chủ động có chính sách “giữ chân” nhân viên, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động lao động sau Tết.

Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động. Điều này sẽ tạo áp lực cho công tác kết nối việc làm cho nhóm đối tượng này.

Về phía cơ quan nhà nước về việc làm, để bảo đảm lao động sau Tết cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động-việc làm trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung-cầu lao động thông qua các hoạt động.

Cụ thể như: Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương.

MỨC THƯỞNG BÌNH QUÂN TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ TĂNG 13% SO VỚI TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN

Thông tin về lương, thưởng Tết cho người lao động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (6,85 triệu đồng/người).

Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng/người; Doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,24 triệu đồng/người.

Mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (6,85 triệu đồng/người).

Mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo cơ quan này, tiền lương bình quân năm 2024 ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023 (8,5 triệu đồng/tháng). Trong đó: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng); Doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.

Do Tết Dương lịch năm 2025 gần với Tết Nguyên đán Ất Tỵ nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung cho Tết Nguyên đán, theo đó, mức thưởng bình quân là 1,46 triệu đồng/người, bằng 79% so với mức thưởng dịp Tết Dương lịch năm 2024 (1,85 triệu đồng/người). Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,95 triệu đồng/người; Doanh nghiệp dân doanh là 1,13 triệu đồng/người; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,01 triệu đồng/người.


Mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về điện tử, công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh.


Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2025 cao nhất là 1,8 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực bán buôn thực phẩm ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, trong năm 2025, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu thị trường thế giới tăng. Nhu cầu trong nước cũng đang phục hồi, đầu tư công và đầu tư tư nhân dự kiến sẽ phục hồi, cải cách tiền lương trong năm 2025 cũng sẽ tạo sức mua lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại. Các thách thức về lao động, việc làm đi liền với thách thức về bảo đảm an sinh xã hội.

Vì vậy, cơ quan này yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung, ưu tiên, quyết liệt triển khai thực hiện bảy nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu sau.

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; nắm chắc tình hình, nhất là những diễn biến mới, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; thích ứng linh hoạt và bảo đảm hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành nhằm tổ chức thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, có đủ năng lực quản lý, điều hành, tham mưu hoạch định chính sách và tổ chức triển khai thực hiện, đưa chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động - người có công và xã hội đi vào cuộc sống. Có cơ chế tạo động lực để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tận tâm, tận tụy và phát huy được năng lực, sở trường của mình phục vụ cho công việc chung.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Xây dựng các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đặc biệt cơ sở dữ liệu về lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Đẩy mạnh chi trả chế độ, chính sách trợ cấp không dùng tiền mặt.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ đối tác, hợp tác quốc tế; đẩy mạnh đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế, vận động hỗ trợ kỹ thuật, tài chính phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục triển khai các kế hoạch thực hiện các công ước của Liên hợp quốc và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia trong lĩnh vực lao động và xã hội.

Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính-ngân sách; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách nhà nước được giao và các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2024. Tăng cường phân cấp gắn với trao quyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội gắn liền với cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, vượt khó vươn lên, có tác động lan tỏa tích cực trong cộng đồng trong thực hiện công tác an sinh xã hội.

Thứ bảy, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội ở các cấp và các địa phương nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện và hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo chủ động triển khai kế hoạch đón người lao động trở lại làm việc ngay sau Tết, bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới.

back to top