Trong đó có 9 vị trí sạt lở gây tắc Quốc lộ 15C và một điểm trên Quốc lộ 16 thuộc huyện Mường Lát nhưng đã được xử lý, thông xe. Sạt lở ta-luy âm Quốc lộ 16 và Quốc lộ 45 tại 4 vị trí dài 36m; lún sụt nền mặt đường tại Km88+870/QL15C tiếp tục sạt, tụt sâu so với cao độ mặt đường. Sa bồi mặt đường, rãnh, cống cũng phát sinh khối lượng khoảng 520m3 tại 53 vị trí trên các tuyến quốc lộ.
Thanh Hóa ứng phó, chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ
Các tuyến đường tỉnh cũng bị sạt ta-luy dương tại 26 vị trí, khối lượng khoảng 8.580m3, hư hỏng 500m2 mặt đường tỉnh 518E tại 5 vị trí; sạt tụt khoảng 50m3 đất đá xuống đường tỉnh 519, thuộc địa phận khu phố Tiến Sơn 2, thị trấn huyện lỵ Thường Xuân. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc các huyện miền núi cũng bị sạt lở, ngập nước đường tràn.
Sụt ta-luy âm, mặt Quốc lộ 15C thuộc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. |
Ngành Giao thông vận tải và các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân đã cắm biển cảnh báo, cấm các phương tiện và người qua lại tại các ngầm, tràn bị ngập; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện dọn dẹp vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông và các điểm sạt lở đường liên thôn, bảo đảm giao thông thông suốt. Hiện còn một vị trí sạt lở tại ngã ba bản Hạm đi bản Con Dao, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát chưa thông xe.
Bộ đội Biên phòng giúp dân vượt qua điểm sạt lở, sa bồi mặt đường. |
Huyện Mường Lát và lực lượng chức năng đã hỗ trợ di dời khẩn cấp một hộ cùng 3 nhân khẩu bản Khằm II và một hộ, 9 nhân khẩu ở bản Pa Búa, xã Trung Lý đến nơi an toàn.
Theo tổng hợp của Văn phòng Thường trực Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa, thiên tai còn làm thiệt hại 10 nhà ở của các hộ dân ở các xã Trung Lý, Mường Lý, huyện Mường Lát; ngập nước gần 97ha lúa, hơn 26ha ngô, gần 30ha mía, cuốn trôi 2 con trâu, một xe máy ở khu vực tràn bản Na Tao, xã Pù Nhi..
Các lực lượng chức năng cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương đã chủ động thực thi các biện pháp khắc phục phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống nhân dân.