Thanh Hóa ứng phó, chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ

NDO - Từ 9-15 giờ ngày 23/7, khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tại huyện Quan Hóa, lượng mưa đo được tại điểm đo mưa tự động ở xã Thành Sơn là 127.4mm, độ ẩm đất đã gần đạt bão hòa.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kiểm tra mố cầu Vụng Láu ở huyện Thường Xuân.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kiểm tra mố cầu Vụng Láu ở huyện Thường Xuân.

Mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá làm thiệt hại về nhà ở, lúa, hoa màu, thủy sản, đường giao thông tại 5 xã trên địa bàn huyện Quan Hóa.

Lũ cuốn trôi 2 quán dựng tạm bán hàng tại bản Sơn Thành, cá nuôi trong ao của 5 hộ ở xã Thành Sơn; gây thiệt hại khoảng 6,4ha lúa ở xã Phú Sơn và xã Thành Sơn; sạt lở đất đá ảnh hưởng tới nhà ở của 7 hộ dân và gây ách tắc 10 điểm giao thông.

Huyện Quan Hóa đã tạm thời di dời người, tài sản của 3 hộ dân ở bản Bai, xã Thành Sơn đến nơi an toàn.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 325 hồ chứa đã đầy nước, 285 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường. Ban quản lý các hồ chứa thủy điện sông Mã đã vận hành xả lũ, hạ mực nước hồ chứa, bảo đảm an toàn công trình theo quy định hiện hành.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cùng các thành viên đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra các công trình hồ đập, giao thông, chỉ đạo ứng phó bảo đảm vận hành an toàn khi có mưa, lũ.

Thanh Hóa ứng phó, chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 1

Doanh nghiệp quản lý công trình thủy lợi đã vận hành xả tràn, hạ thấp mực nước trong hồ sông Mực

Trên các tuyến quốc lộ ủy thác cho tỉnh quản lý xảy ra sạt taluy dương, đá lăn tại 50 vị trí, tổng 1.700m3; sa bồi mặt đường, rãnh, cống tại 49 vị trí, tổng khoảng 790m3. Các tuyến đường tỉnh cũng phát sinh 4.650m3 đất đá do sạt taluy dương tại 52 vị trí; sa bồi mặt đường, rãnh, cống tại 79 vị trí, tổng khối lượng khoảng 1.080m3…

Ngành giao thông vận tải đã huy động lực lượng, vật tư, phương tiện dọn dẹp các vị trí sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương kiểm tra, chỉ đạo, huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình dọn dẹp, tu sửa nhà bị hư hỏng, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống nhân dân, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại.

Các địa phương, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi đã triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình, bơm nước tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập, lụt.