Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, sự bất ổn và chi phí gia tăng sẽ đẩy Eurozone và phần lớn các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) rơi vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm nay và quý đầu tiên năm 2023.
Theo EC, những “cơn gió ngược” vẫn đang kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó tăng trưởng GDP dự báo chỉ đạt mức khiêm tốn 0,3% vào năm 2023. EC cũng nâng dự báo lạm phát của Eurozone trong năm nay và năm 2023 lần lượt ở mức 8,5% và 6,1%.
Số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong tháng qua lạm phát ở Eurozone đã đạt mức kỷ lục 10,7%.
Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni cảnh báo, lạm phát tiếp tục tăng nhanh và có thể đạt đỉnh cuối năm nay. Còn Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho rằng, nền kinh tế EU đã đạt đến "bước ngoặt", trong đó phần lớn động lực tăng trưởng đã biến mất. Số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong tháng qua lạm phát ở Eurozone đã đạt mức kỷ lục 10,7%.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng mới công bố các phân tích về triển vọng kinh tế châu Âu với tông màu xám bao trùm. Theo IMF, tốc độ tăng trưởng giảm sút ở nhiều nước châu Âu hiện nay có thể dẫn đến suy thoái nghiêm trọng ở lục địa già, trong khi sự gián đoạn nguồn cung năng lượng đe dọa nền kinh tế và khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ gây ra căng thẳng xã hội.
Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực của IMF được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang vật lộn với lạm phát leo thang và khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng đã làm giảm sức mua và xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. Báo cáo của IMF đánh giá rằng, triển vọng kinh tế của châu Âu trở nên u ám hơn nhiều, khi tốc độ tăng trưởng ngày một chậm lại và lạm phát không ngừng tăng, hiện vượt mức 50% so năm 2019.
Tổ chức tài chính toàn cầu này cho rằng, tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu sẽ chậm lại rõ rệt, chỉ đạt mức khiêm tốn 0,6% năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực cũng sẽ chậm lại ở mức 1,7%. IMF nhấn mạnh, nguy cơ lớn nhất trước mắt là sự gián đoạn nguồn cung năng lượng trong mùa đông lạnh giá có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt, thiếu lương thực và gây ra những tổn thương kinh tế sâu sắc.
Các quốc gia châu Âu đang vật lộn với lạm phát leo thang và khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng đã làm giảm sức mua và xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Định chế tài chính này dự báo, tình trạng lạm phát sẽ còn kéo dài và căng thẳng xã hội có thể trở nên tồi tệ hơn do chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Các nhà hoạch định chính sách cần đi đúng hướng để vừa kiềm chế được lạm phát, vừa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, EU tìm mọi cách thoát khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế đang hiện hữu trước mắt. Một trong những phương án đang được thảo luận là để các chính phủ cung cấp hạn mức năng lượng cố định cho người tiêu dùng với mức giá trợ cấp. Nếu tiêu thụ vượt qua giới hạn, họ sẽ phải thanh toán theo mức giá cao của thị trường. Giới chức EU thừa nhận đây không phải giải pháp tối ưu, nhưng bền vững về mặt chính trị và kinh tế.
Những nguyên tắc chung như vậy sẽ cho phép EU duy trì sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nền kinh tế và cũng giúp lập kế hoạch chi tiêu ngân sách vào năm 2023. 19 nước thành viên Eurozone cũng đã đệ trình dự thảo ngân sách năm 2023 lên EC để kiểm tra nhằm bảo đảm những quốc gia này tuân thủ các quy định của EU và lập trường chính sách tài khóa chung là chuyển từ “hỗ trợ” trong năm nay sang “trung lập” vào năm tới. Các quan chức Eurozone cho rằng, suy thoái kinh tế sẽ gia tăng áp lực tài chính đối với ngân sách, dù ở chiều ngược lại nó giúp hạ nhiệt lạm phát do nhu cầu giảm đi.
"Bóng ma" suy thoái đang lởn vởn ngay trước mắt 19 nước Eurozone nói riêng và 26 quốc gia thành viên EU nói chung. Để thoát khỏi nguy cơ này, việc cần thiết là châu Âu phải kìm hãm được đà tăng của giá năng lượng và chi phí sinh hoạt, qua đó khôi phục hoạt động sản xuất và sức mua của người dân.