Ngắm ảnh Bác giữa buôn làng người Mạ

Trong một lần về vùng căn cứ kháng chiến cũ Lộc Lâm (Bảo Lâm, Lâm Đồng), tôi dừng chân trước một ngôi nhà sàn và mạnh dạn bước qua cánh cửa. Chủ nhà là cụ K’Chàng, cựu du kích từ thời chống Mỹ, cứu nước.
0:00 / 0:00
0:00

Vào nhà, được ngắm ảnh Bác Hồ treo trang trọng ở phòng khách, bỗng thấy lòng ấm áp lạ lùng. “Ở Lộc Lâm này, nhà nào cũng có người làm cách mạng, người dân nào cũng theo Đảng, cũng thờ Bác Hồ”, cụ K’Chàng nói.

Cụ chủ nhà còn cầm tay tôi đưa tới chiếc tủ gỗ nhỏ, lục tìm chốc lát và lôi ra từ chiếc ống nứa lên bóng một bức ảnh úa màu. Tôi xúc động khi được tận tay sờ lên bức ảnh Bác Hồ in trên giấy báo cũ đã bạc màu thời gian.

Cựu du kích K’Chàng nói rằng, bức ảnh vô giá này cụ được một anh bộ đội cắt ra từ tờ báo Quân Giải Phóng mà anh có được trên đường hành quân và tặng cụ từ năm 1965, trong một lần bộ đội chủ lực về phối hợp với du kích Lộc Lâm đánh giặc. Suốt bao năm tháng qua cụ luôn luôn giữ gìn, nâng niu bức ảnh Bác như báu vật. Sau này được tặng rất nhiều bức ảnh mới của Bác nhưng “bảo bối” này vẫn giữ một giá trị thiêng liêng trong ngôi nhà sàn bé nhỏ của người du kích dân tộc Mạ kiên dũng năm nào.

Theo dòng lịch sử, từ năm 1945, dù chưa được giác ngộ cách mạng nhưng ở Lộc Lâm đã có thủ lĩnh K’Kíu đứng ra lãnh đạo nhân dân chống Pháp. Thanh niên trong các buôn làng có tới 60 người đi theo vị thủ lĩnh chống lại âm mưu chiếm phá buôn làng, lập tề điệp của giặc. Pháp qua rồi Mỹ tới, Lộc Lâm bắt đầu cuộc chiến với kẻ thù mới bằng truyền thống đã được xây đắp.

Đến tận năm 1961, lần đầu tiên, cán bộ của Đảng về với rừng sâu Lộc Lâm. Họ mang về đây lời hiệu triệu của Đảng, tiếng gọi đoàn kết một lòng đánh đuổi quân xâm lược. Đảng về, cán bộ của Bác Hồ về, người dân Lộc Lâm như gặp được ánh sáng của Yàng; từ đó, họ nghe theo lời Đảng, lời Bác, quyết tâm xây dựng lực lượng, dũng cảm chiến đấu bảo vệ buôn làng…

Suốt bao tháng bao năm qua, người Mạ ở Lộc Lâm luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng, với sự nghiệp xây dựng đất nước. Từ năm 1961 cho đến hôm nay, tất cả các gia đình luôn treo ảnh Bác trong ngôi nhà của mình như một sự mang ơn, một lời nhắc nhở. Họ cũng lưu giữ bức thư của Người gửi Đại hội các dân tộc thiểu số tại Pleiku và coi đó là “tấm bảng chỉ đường” trong suy nghĩ và hành động của mình.

Từ vùng sâu Lộc Lâm, tôi mang theo ánh mắt đầy biết ơn và tôn thờ của lão cựu du kích K’Chàng khi ngắm hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Ánh mắt ấy thể hiện biết bao điều ý nghĩa, như một thông điệp nói thay tấm lòng của đồng bào Mạ nơi mảnh đất xa xôi giữa rừng núi Tây Nguyên luôn giữ vẹn truyền thống trung trinh với Đảng, với cách mạng và nguyện trọn đời nghe theo lời dạy thiêng liêng, cao quý của Bác kính yêu.