Lâm Đồng là một trong hai tỉnh trong cả nước triển khai thực hiện giao khoán bảo vệ rừng từ 15 năm trước. Đặc biệt, tiên phong thí điểm thành công chi trả dịch vụ môi trường rừng, là bước ngoặt của ngành lâm nghiệp.
Mô hình này đã tạo ra cơ chế tài chính bền vững “lấy rừng nuôi rừng” bằng sản phẩm cung ứng dịch vụ môi trường rừng; giảm kinh phí hằng năm từ ngân sách tỉnh (khoảng 200 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng mỗi năm).
Khoán bảo vệ rừng còn là thực hiện giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế cho hơn 13.000 hộ gia đình sinh sống gần rừng; trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm 77% với nhận khoán tổng diện tích 356.000 ha.
Hiện nay, ngoài 12,5% diện tích khoán bảo vệ rừng ngoài lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng được chi trả mức tối thiểu, 87,5% diện tích khoán bảo vệ rừng toàn tỉnh Lâm Đồng cung ứng dịch vụ môi trường rừng đã chi trả mức khoán tăng dần hằng năm và đến nay vượt gấp 1,5 đến 2 lần mức đơn giá chi trả tối thiểu.
Tại Lâm Đồng, tổng diện tích khoán và tự quản bảo vệ rừng chi trả từ hai nguồn kinh phí gồm ngân sách tỉnh và chi trả dịch vụ môi trường rừng là hơn 458.300 ha, chiếm 85% diện tích đất lâm nghiệp có rừng toàn tỉnh.
Trong đó, 3 chủ rừng là cộng đồng với tổng diện tích hơn 950,6 ha, chủ rừng là hộ gia đình được giao đất, giao rừng tại 6 huyện, thành phố có 1.483 hộ với tổng diện tích 6.653 ha. Diện tích hợp đồng khoán quản lý bảo vệ rừng bình quân toàn tỉnh là 22 ha/hộ; số hộ hợp đồng diện tích trên 30 ha là 953 hộ, chiếm 5,9%.
Qua rà soát, thu nhập từ hoạt động nhận khoán bảo vệ rừng trên diện tích ngân sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 20 triệu-25 triệu đồng/ha/năm đối với lưu vực sông Đồng Nai và từ 13 triệu-15 triệu đồng/ha/năm đối với lưu vực sông Sêrêpok.
Từ đó, người dân nhận quản lý bảo vệ rừng vừa nâng cao ý thức giữ gìn tài nguyên vừa tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể giúp cải thiện cuộc sống.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, đã chỉ đạo các tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, ông cũng cho biết sắp tới sẽ sửa đổi Luật Lâm nghiệp theo hướng tăng định mức tiền giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Đây là tín hiệu vui cho những người dân nhận quản lý bảo vệ rừng ở Lâm Đồng-Tây Nguyên.