Giữ lấy hồn cốt đô thị

Ở thành phố Đà Lạt, suốt vài năm qua, các cơ quan báo chí và các cấp, các ngành đã vào cuộc phản ánh những công trình xây dựng trái phép xâm hại nghiêm trọng quy hoạch, các thắng cảnh, di tích. Điều đáng nói là các công trình có quy mô lớn ấy nằm ngay giữa trung tâm thành phố, có công trình chỉ cách trụ sở cơ quan công quyền chừng vài chục mét.
0:00 / 0:00
0:00

Thế nhưng, những "con voi" đã "chui lọt lỗ kim", tạo nên những hệ lụy khôn lường và gây tốn công sức trong việc giải quyết. Đó là một thực trạng vẫn đang "trong quá trình xử lý". Còn ở đây, chúng tôi xin tiếp tục phản ánh lại một câu chuyện khác liên quan vấn đề nghịch lý giữa bảo tồn và phát triển đô thị vẫn đang được dư luận quan tâm ở thành phố cao nguyên này.

Đó là sau việc tỉnh Lâm Đồng công bố đồ án "Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị-tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt"; theo đó, trung tâm Hòa Bình, đối tượng tác động của đồ án này, được mệnh danh là trái tim phố núi. Là khu vực gắn với dấu ấn cư dân người Việt từ hơn 100 năm qua trong một đô thị có số phận lịch sử đặc biệt, vì thế, nó vô cùng nhạy cảm nếu nhìn từ góc độ quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn và phát triển.

Dư luận ủng hộ sự đột phá quy hoạch, chỉnh trang và tìm mỹ cảm mới, nhất là khu trung tâm để khai phóng tầm nhìn chật chội, giải quyết phần nào áp lực dân số, giao thông cũng như nhu cầu phát triển của một thành phố du lịch; nhưng các nhà chuyên môn có nhiều ý kiến trái chiều vào yếu tố nghịch lý giữa bảo tồn và phát triển, khi tại đồ án này có ba công trình cũ sẽ trở thành đối tượng bị tác động: Dinh tỉnh trưởng (xây năm 1910), rạp 3-4 (dựng tạm năm 1929, xây mới năm 1937) và chợ mới Đà Lạt (khởi công năm 1958). Nhìn từ góc độ quy hoạch, chuyện đang xảy ra tại Đà Lạt nếu giải quyết thấu đáo, sẽ là một kinh nghiệm quý cho các địa phương khác tham khảo khi tiến hành bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang…

Kiến trúc không chỉ là kiến trúc; đó còn là lịch sử, là ký ức, là hồn vía, là những giá trị nhân văn được hun đúc qua nhiều chặng đường lịch sử, đã được trao truyền dù phải vượt qua bao thăng trầm, biến vi. Trong một đô thị được hình thành lâu đời thì những góc phố, con đường, hàng cây cổ thụ, những công trình, cảnh quan, những đền đài, miếu mạo chính là những biểu tượng cất lên tiếng nói của quá khứ. Tiếng nói ấy thẳm sâu giá trị và chuyển tải những thông điệp thiêng liêng đến các thế hệ sau.

Những thành phố càng "trôi dạt" qua nhiều giai đoạn thăng trầm thì thông điệp gửi tới mai sau càng giàu ý nghĩa. Nếu phai mờ bản sắc và xóa dấu ký ức thì nơi chốn ấy không khác gì những đô thị bị "đánh mất trí nhớ".

Ở Đà Lạt hiện nay, kiến thiết và xây dựng mới cũng đang có vấn đề mà việc gìn giữ những giá trị cũ cũng không hề đơn giản.