Mong muốn lương hưu phải bảo đảm an sinh và mức sống tối thiểu

Chiều 18/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiếp xúc cử tri là công nhân lao động và Chủ doanh nghiệp góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị lấy ý kiến công nhân lao động và chủ doanh nghiệp về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Hội nghị lấy ý kiến công nhân lao động và chủ doanh nghiệp về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chia sẻ quan điểm cá nhân về việc rút bảo hiểm xã hội một lần, bà Ngô Thị Mỹ Kha, công nhân trực tiếp sản xuất thuộc Công ty Lạc Tỷ cho biết bản thân làm việc tại công ty đã 22 năm, muốn làm tiếp tục để chờ đến tuổi nhận lương hưu. Song, trước biến động của tình hình thị trường lao động, nhất là tình trạng cắt giảm nhân công của các doanh nghiệp may mặc, da giày nên bản thân cũng như người lao động tại công ty có ý định nghỉ việc chờ sau một năm hưởng bảo hiểm thất nghiệp để nhận bảo hiểm xã hội một lần.

“Một đồng nghiệp của tôi với gần 20 năm làm việc nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ được khoảng tiền 170 triệu đồng. Sau đó, nếu chị ấy tiếp tục đi làm ở chỗ mới đóng bảo hiểm xã hội và vẫn được nhận lương, cho đến khi đủ tuổi về hưu dù gì với số năm đi làm chị vẫn được nhận lương hưu mà vẫn có số tiền bảo hiểm xã hội một lần. Như vậy, tham gia bảo hiểm xã hội càng lâu càng lỗ…”, bà Kha đúc kết.

Mong muốn lương hưu phải bảo đảm an sinh và mức sống tối thiểu ảnh 1

Theo người lao động để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, phải cải thiện chế độ hưu trí để người lao động thấy được lợi ích của chính sách.

Dẫn chứng một số bất cập này, bà Mỹ Kha cũng như hầu hết người lao động đều cho rằng, chính sách và các quy định hiện nay của Luật Bảo hiểm xã hội không bảo đảm quyền lợi “đóng nhiều hưởng nhiều” đối với người lao động, từ đó họ có tâm lý muốn rút bảo hiểm xã hội một lần vừa trang trải cuộc sống vừa “né” Luật Bảo hiểm xã hội nếu sửa đổi theo phương án không cho rút bảo hiểm xã hội một lần như đang áp dụng.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen, cho rằng, “Phương án 1” quy định điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần phù hợp tâm tư nguyện vọng và bảo đảm quyền lợi người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo ông Nghiệp, từ khi ban hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đại đa số người lao động đều đã thích ứng và chấp hành cho đến nay. Người lao động đã quen và hài lòng vì nó thật sự quan tâm và bảo đảm đến nguyện vọng, quyền lợi của người lao động.

Đồng thời, qua thăm dò ý kiến tại công ty, tập thể công nhân đều không tán đồng “Phương án 2” bởi nó hạn chế quyền lợi của người lao động và không ai muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần 50% thời gian đóng.

"Muốn hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, phải cải thiện chế độ hưu trí để người lao động thấy được lợi ích của chính sách. Cụ thể, mức lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu; có chính sách hỗ trợ vốn vay cho người nghỉ hưu nhưng còn khả năng lao động nhằm tự tạo việc làm, cải thiện thu nhập, bảo đảm ổn định an sinh xã hội và không bị ảnh hưởng khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới có hiệu lực", ông Nghiệp đề xuất.

Một số ý kiến trao đổi tại buổi tiếp xúc cũng phản ánh hạn chế, bất cập về chế độ liên quan đến bảo hiểm xã hội, mức hưởng lương hưu như quy định hiện hành. Trong đó, nhiều người lao động mong muốn việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nên có điều khoản bảo lưu tiền đóng bảo hiểm xã hội trong trường hợp người lao động chưa muốn rút bảo hiểm xã hội mà duy trì đến lúc đủ điều kiện sẽ rút…

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh: Từ thực tiễn, nguyên tắc đóng-hưởng rõ nhất của bảo hiểm xã hội cần được chứng minh thì mới thuyết phục được người lao động, ngăn được tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhìn chung ý kiến góp ý đều cho thấy mong muốn tối ưu của người lao động là lương hưu nhận được phải bằng mức sống tối thiểu.

“Hãy để lương hưu như một cô gái 18 để ai nhìn cũng thấy sức sống, cũng muốn tham gia. Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần có khoản thưởng 5-7% để tạo sức hấp dẫn cho người tham gia bảo hiểm xã hội suốt quá trình lao động để người lao động thật sự an tâm. Có chính sách bảo trợ xã hội khác đi kèm dành cho người tham gia suốt quá trình lao động cao hơn những người đã rút bảo hiểm xã hội một lần", bà Thúy nhấn mạnh.