Kỳ vọng một hiệp ước toàn cầu nhằm kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa

NDO -

Hơn 100 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc sẽ nhóm họp vào cuối tháng này để thảo luận bộ khung tổng thể cho thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Theo Liên hợp quốc, đây có thể sẽ là hiệp ước toàn cầu quan trọng nhất kể từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015.

Một lượng lớn rác thải nhựa trôi dạt vào bờ cảng ở Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 19/11/2018. (Ảnh: Reuters)
Một lượng lớn rác thải nhựa trôi dạt vào bờ cảng ở Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 19/11/2018. (Ảnh: Reuters)

Trái đất đang ngập trong rác thải nhựa khó tái chế, chậm phân hủy, cùng chi phí đốt và chôn lấp đắt đỏ. Tình trạng rác thải nhựa trên toàn cầu đã lên đến mức đáng báo động, đe dọa gây hại cho các loài động vật hoang dã cũng như làm ô nhiễm chuỗi thức ăn.

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng mỗi năm có khoảng 11 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương, và con số này dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2040 nếu việc sản xuất và sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần như chai đựng đồ uống, bao bì đóng gói và túi đựng hàng chợ không được giảm bớt.

Theo kết quả nghiên cứu được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) công bố mới đây, thế giới có thể sẽ phải chứng kiến thiệt hại sinh thái trên diện rộng trong những thập kỷ tới nếu Liên hợp quốc không thể đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa. Một số loài sinh vật biển sẽ bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng, còn các hệ sinh thái nhạy cảm như rạn san hô và rừng ngập mặn sẽ bị tàn phá nghiêm trọng.

Sản lượng nhựa trên toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Thực tế này cũng gây ra mối đe dọa lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, bởi phần lớn nhựa đều có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Kỳ họp Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến tại trụ sở Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tại Nairobi, Kenya từ ngày 28/2 đến ngày 2/3.

Mục tiêu chính của phiên họp là đưa ra các điều khoản rộng mở cho một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa, đồng thời thành lập một ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) để điều phối quá trình tiến tới thỏa thuận cuối cùng.

Trong trường hợp các quốc gia thành viên đạt được sự thống nhất về một khuôn khổ cơ bản, INC sẽ dành ít nhất 2 năm đàm phán một hiệp ước cuối cùng để các nước tham gia ký kết.

Những nội dung có thể được đưa ra trong hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa bao gồm giới hạn về sản lượng nhựa, cam kết của các nước thành viên về loại bỏ đồ nhựa sử dụng một lần và khó tái chế, và các mục tiêu về tăng tỷ lệ thu gom và tái chế rác thải nhựa.

Một vấn đề quan trọng là liệu các điều khoản trong thỏa thuận sẽ là tự nguyện hay ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tham gia ký kết.