Mở thư viện miễn phí để lan tỏa tình yêu sách

Trong ngôi nhà ở phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội), gia đình chị Nguyễn Thu Hương nhường không gian tầng 1 và tầng 2 để mở thư viện miễn phí cho cộng đồng, với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn trẻ đọc sách tại tầng 1 thư viện "Ban công của mẹ".
Các bạn trẻ đọc sách tại tầng 1 thư viện "Ban công của mẹ".

Hơn 1 tháng trước, Lê Thị Hải Vân, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Thủ đô Hà Nội ngạc nhiên khi bạn cùng phòng là Trần Thị Mây, tháng nào cũng kêu hết tiền, nhưng thi thoảng lại có sách mới đọc.

Hỏi bạn, Hải Vân được giới thiệu đến thư viện gần phòng trọ, có tên “Ban công của mẹ”, ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.

Hải Vân cùng bạn đến thư viện, ngạc nhiên khi ở đây có hàng nghìn cuốn sách, đủ các thể loại như: kỹ năng sống, phát triển bản thân, kiến thức khoa học, sức khỏe, văn học trong nước và nước ngoài.

Đặc biệt, ở tầng một thư viện có những cuốn truyện tranh Hải Vân rất thích như Doremon, Conan…, sách văn học dành cho tuổi vị thành viên như truyện của Nguyễn Nhật Ánh.

“Những buổi sáng không đi học hoặc cuối tuần chúng em lại rủ nhau đến đây đọc sách’’, Hải Vân nói. Không chỉ đọc sách tại chỗ, Hải Vân còn có thể mượn mang về.

Ở phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Nguyễn Khánh Huyền, 20 tuổi, cũng tình cờ biết đến thư viện “Ban công của mẹ’’ trên mạng xã hội. “Buổi sáng đọc được thông tin về thư viện thì buổi chiều em đến đây luôn”, Khánh Huyền nói.

Từ nhỏ đã yêu sách, Khánh Huyền xây dựng cả một tủ sách lớn ở quê. Nhưng lên Hà Nội ở trọ không cho phép em có nhiều không gian cho sách. Từ năm ngoái, biết đến thư viện mở cửa và cho mượn sách miễn phí, Huyền trở thành vị khách thân thuộc của không gian này.

Không chỉ có đầu sách phong phú, Khánh Huyền thích thú vì không gian đọc sạch sẽ, yên tĩnh. Ngồi bên xích đu cạnh ban công, thi thoảng, Khánh Huyền và những người bạn hướng mắt ra ngoài ngắm những cây dâu tây, những cây hoa người chủ trồng, chăm chút thêm cho không gian thư viện.

Người chủ đó là chị Nguyễn Thu Hương, 37 tuổi, một bà mẹ nội trợ có 2 con nhỏ. Từ bé, chị Thu Hương đã có đam mê đọc sách và nhận ra giá trị của sách với mỗi người. Có 2 con, chị luôn dành thời gian đọc sách, truyền tình yêu sách cho chúng.

“Tôi cũng muốn lan tỏa tình yêu với sách đến mọi người, nhất là khi văn hóa đọc sách dần mai một’’, chị nói.

Chị Thu Hương nhờ người gửi tặng các thư viện vùng cao những cuốn sách mình trân quý. Nhưng chị nhận ra một số thư viện được xây dựng chỉ mang tính hình thức, sách chưa đưa được đến tay người cần.

Mùa hè năm 2019, thấy tủ sách gia đình có nhiều sách đã đọc, để mãi trong tủ rất lãng phí nên chị nghĩ ra ý tưởng biến ngôi nhà bố mẹ đẻ đang ở thành một thư viện để những người đang trên hành trình nuôi dạy con được tiếp xúc với những kiến thức bổ ích về giáo dục, dinh dưỡng, nấu ăn, nuôi dạy con…

Được bố mẹ ủng hộ, chị dọn bộ sofa ở phòng khách nhường chỗ cho không gian của sách. Thu Hương quyết định đặt tên cho thư viện mình thành lập là “Ban công của mẹ’’.

“Đây là nhà của mẹ đẻ tôi, là chốn về ấm áp tin tưởng của tôi mỗi khi cần giúp đỡ, cũng là nơi tôi xây dựng thư viện cho các con để đọc sách và học cách chia sẻ với người khác’’, chị nói lý do đặt tên thư viện.

Ban đầu chỉ hướng đến đối tượng người đọc là những người làm cha mẹ, nhưng thấy tủ của các con cũng nhiều sách, chị đóng thêm kệ, bày sách dành cho thiếu nhi ở tầng một.

Từ khi mở cửa đến năm 2021, thư viện chưa được nhiều người biết đến, lại vướng dịch Covid-19 nên ít khách. Năm 2022, phải tập trung cho con gái ôn thi, chị Thu Hương đành tạm đóng cửa thư viện.

Năm 2023, các con học hành ổn định hơn, có nhiều tâm trí cho thư viện, chị quyết định mở cửa trở lại phục vụ cộng đồng.

Duy trì đọc sách cho các con và mình mỗi tháng, nên tủ sách ở thư viện cũng cứ thế lớn dần lên. Từ vài kệ sách ban đầu, nay bao quanh bốn bức tường đều là sách.

Chị Thu Hương cũng tích cực chia sẻ những câu chuyện về sách, tình yêu sách và giới thiệu về thư viện miễn phí của mình trên mạng xã hội, khuyến khích mọi người đến đọc, mượn sách.

“Đông nhất là vào những ngày cuối tuần, có cả chục người lớn, trẻ nhỏ đến. Hiện nay, có khoảng hơn 100 gia đình ở xa thường xuyên đến mượn sách, đổi sách’’, chị nói.

Để bảo đảm an toàn cho gia đình và giữ gìn sách, khách trước khi đến thư viện được yêu cầu nhắn tin trước cho chị Thu Hương. Người muốn mượn sách phải ghi danh, tuân thủ quy định đề ra.

Sau một thời gian dài mở cửa thư viện, chị Thu Hương thấy quyết định thành lập của mình là đúng đắn. “Nhiều bé buổi đầu còn chưa thích sách, nhưng được bố mẹ kiên nhẫn đưa đến thư viện, thấy mọi người say sưa đọc, các bé dần thay đổi, ý thức về việc đọc hơn’’, chị nói.

Mở thư viện vì cộng đồng, nhưng chị Thu Hương nói mình nhận được nhiều hơn cả những gì cho đi. “Nhiều vị khách đến đây là những người am hiểu ở một lĩnh vực nào đó. Quen biết họ, chúng tôi học hỏi lẫn nhau, xây dựng được mạng lưới mối quan hệ chất lượng’’, chị cho biết. Lan tỏa được đam mê đọc sách, chị thấy mình sống có ý nghĩa và giá trị hơn.

Mong ước lớn nhất của chị Thu Hương là sau này các con lớn lên sẽ tiếp thu truyền thống cho đi của gia đình, tiếp tục xây dựng, chăm nom thư viện để giúp đỡ, chia sẻ và lan tỏa tình yêu đọc sách mãi mãi.