Mở rộng không gian cho nông sản Tây Nguyên

Tây Nguyên hiện là vùng sản xuất một số nông sản chủ lực quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, nhất là cây công nghiệp và cây ăn quả. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp toàn vùng đang bị cản trở lớn bởi hạ tầng giao thông, logistics còn nhiều hạn chế, không đồng bộ. Ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này chính là giải pháp để mở rộng không gian cho nông sản Tây Nguyên, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn chăm sóc cây cà-phê tại vùng trồng của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Ðắk Lắk. (Ảnh MINH THU)
Hướng dẫn chăm sóc cây cà-phê tại vùng trồng của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Ðắk Lắk. (Ảnh MINH THU)

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 377/QÐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực cho phát triển vùng; bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các trung tâm tổng hợp, logistics, chuyên ngành của vùng với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các vùng lân cận.

“Điểm nghẽn” hạ tầng

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết: Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được xếp tốp nhất nhì khu vực cũng như thế giới hiện nay, Tây Nguyên đã góp mặt nhiều sản phẩm như cà-phê, hồ tiêu, chanh dây, điều, mắc-ca, cao su... Diện tích trồng các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… ở Tây Nguyên cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của vùng Tây Nguyên còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt hơn 3,7 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng chủ yếu tập trung vào một số nhóm hàng cây ăn quả, một số loại cây công nghiệp, cà-phê, gia vị, cây dược liệu, khai thác tài nguyên. Một trong những nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống logistics còn nhiều hạn chế. Ðáng chú ý, liên kết nội vùng đang thể hiện nhiều điểm lỏng lẻo, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng nội vùng. Ðiều này tạo nên nhiều rào cản cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng ra thế giới.

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Tây Nguyên chỉ có duy nhất Quốc lộ 14 là con đường kết nối hầu hết các tỉnh trong vùng với một số vùng kinh tế trọng điểm phía nam và duyên hải miền trung, nhưng hiện nay đã quá tải. Các tuyến đường quốc lộ như 26, 27, 29 nối với các vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Ðông Nam Bộ đang bộc lộ nhiều hạn chế; một số tuyến đường, cây cầu xuống cấp, quy mô đường nhỏ hẹp, chưa đồng bộ. Dù được nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nhưng các tuyến đường này vẫn có nhiều đèo dài, hiểm trở. Hầu hết nông sản trong khu vực đều phải xuất nhập khẩu thông qua các cảng thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu, Ðồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Cam Ranh (Khánh Hòa) và Quy Nhơn (Bình Ðịnh) với khoảng cách trung chuyển 100-300 km, làm gia tăng chi phí logistics và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Mặt khác, dù Tây Nguyên là trung tâm sản xuất nông sản lớn của cả nước nhưng hiện nay các dịch vụ logistics nông nghiệp chưa phát triển, chưa có trung tâm logistics và thiếu hệ thống bến bãi. Các doanh nghiệp tại một số địa phương như Ðắk Lắk, Gia Lai đang phải thuê, xây dựng kho bãi tại các tỉnh, thành phố như Ðồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh... để tập kết hàng hóa, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh.

Là một tỉnh có sức phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, Gia Lai đã trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế như: Hơn 98.000 ha cà-phê, sản lượng hơn 257.000 tấn/năm; hơn 13.000 ha hồ tiêu, sản lượng 47.000 tấn/năm; cao su hơn 88.000 ha với sản lượng mủ khô hơn 123.000 tấn/năm; sắn hơn 81.000 ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn/năm và khoảng 21.000 ha trái cây các loại (chuối gần 5.000 ha, chanh leo hơn 3.000 ha, sầu riêng gần 2.000 ha)...

Tuy nhiên, việc xây dựng và hình thành các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn phục vụ sản xuất và xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn. Cụ thể, sự phát triển của dịch vụ vận tải tỉnh Gia Lai chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa nội tỉnh, quy mô nhỏ. Hệ thống kết cấu hạ tầng vận tải mặc dù được đầu tư, nâng cao khả năng kết nối liên vùng nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trong khi đó, hạ tầng logistics còn thiếu tính kết nối; thiếu hạ tầng kho, bãi tập trung; chưa đồng bộ với hệ thống đường giao thông và cơ sở sản xuất. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn cũng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cơ bản, đơn lẻ, chủ yếu đảm nhận công đoạn giao nhận vận tải, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến lưu thông hàng hóa nông sản.

Mở rộng không gian cho nông sản Tây Nguyên ảnh 1

Kiểm tra việc sản xuất sầu riêng của nông dân theo quy định mã số vùng trồng ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Ðắk Lắk. (Ảnh CÔNG LÝ)

Tạo “đòn bẩy” cho thương mại nông sản

Thống kê cho thấy, so về sản lượng với cả nước, cà-phê Tây Nguyên chiếm 94,8%; cao su chiếm 22,1%, hồ tiêu chiếm 68,6%. Một số cây ăn quả tăng nhanh như: Sầu riêng chiếm tới 43,1% diện tích và 36,3% sản lượng; bơ chiếm tới 78,1% diện tích và 81,9% sản lượng. Tây Nguyên cũng là vùng sản xuất chanh dây lớn nhất cả nước, chiếm hơn 70% diện tích.

Ông Ðặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, với diện tích và sản lượng lớn trái cây tươi của toàn vùng thì việc kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là vấn đề quan trọng số một đối với ngành trồng trọt Tây Nguyên. Do đó, đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ, kết nối liên vùng, liên quốc gia, kết nối đến hệ thống cửa khẩu, cảng biển phải được coi là ưu tiên hàng đầu.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Ðắk Lắk có hệ thống giao thông thuận tiện trong việc giao thương lưu chuyển hàng hóa với các tỉnh trong khu vực và các tỉnh Nam Trung Bộ, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới các loại hình thương mại quy mô lớn và hiện đại.

Trong bối cảnh giá cà-phê và hạt tiêu cùng các mặt hàng nông sản khác đang trên đà tăng, năm 2024 được dự báo sẽ là một năm bứt phá trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Ðắk Lắk. Do đó, tỉnh mong muốn cùng với các tỉnh khu vực Tây Nguyên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối chuỗi giá trị sản xuất của vùng với nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố, vùng, miền trên cả nước cũng như xuất khẩu, hướng tới tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ðể phát triển hệ thống logistics phục vụ sản xuất và xuất khẩu nông sản, tỉnh Gia Lai đề xuất sớm hình thành một Trung tâm logistics hạng II thuộc khu vực Tây Nguyên và hướng ra các tỉnh duyên hải; kết nối với các cảng cạn, cảng biển, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu thuộc các tỉnh lân cận. Hiện tỉnh cũng đang kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch; cụ thể là các dự án phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các cảng cạn, trung tâm kho vận quốc tế logistics Tây Nguyên, trung tâm dịch vụ logistics nông sản.

Tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Quốc lộ 19; sớm triển khai đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, đồng thời khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp logistics trong nước (hoặc quốc tế) đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại tỉnh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản.

Phấn đấu đến năm 2030, nghiên cứu, đầu tư hoàn thành một số tuyến đường bộ cao tốc để thúc đẩy và phát triển các hành lang kinh tế kết nối Tây Nguyên với vùng Ðông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và hành lang kinh tế Bắc-Nam phía Tây; Tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ gồm 14, 24, 40, 40B, 19, 25, 26, 27, 28, 29, 55, 20, Trường Sơn Ðông khi có đủ điều kiện. Phấn đấu thực hiện mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E; Cảng hàng không Pleiku và Cảng hàng không Buôn Ma Thuột cấp 4C. Nghiên cứu xây dựng sân bay tiềm năng tại tỉnh Kon Tum, Ðắk Nông. Phát triển hệ thống cảng cạn là đầu mối vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics.

(Theo Quyết định số 377/QÐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050)