Hồ sơ hưởng chế độ thai sản của người lao động nữ sinh con bao gồm những gì? Để được hưởng chế độ, người lao động cần nộp trong thời gian nào? Người lao động nghỉ việc trước thời điểm sinh con thì nộp hồ sơ tại đâu?
NGUYỄN VĂN THOẠI (Hải Phòng)
Trả lời:
Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 7/7/2021 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ Bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp
Trong trường hợp nào người có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp?
TRẦN THỊ MỸ DUNG (Hòa Bình)
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế, tổ chức bảo hiểm y tế (cơ quan bảo hiểm xã hội) thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
a) Tại cơ sở khám chữa bệnh không có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế;
b) Khám chữa bệnh không đúng quy định tại Điều 28 của Luật này.
Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 09/2019/TT-BYT ngày 10/6/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định: ngoài các trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh theo quy định trên của Luật Bảo hiểm y tế, người có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
a) Người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;
b) Trường hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ bảo hiểm y tế;
c) Trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.