Mở lối phát triển sâm Ngọc Linh

Trên cung đường nối phố hoa Đà Lạt và phố biển Nha Trang-quốc lộ 27C, chúng tôi tìm về thôn K’Long K’Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, để được “mục kích sở thị” trang trại sâm Ngọc Linh của chàng trai trẻ Trần Cao Nguyên dưới chân dãy Bidoup hùng vĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Trần Cao Nguyên (bên phải) chia sẻ cách trồng sâm Ngọc Linh theo công nghệ mới.
Trần Cao Nguyên (bên phải) chia sẻ cách trồng sâm Ngọc Linh theo công nghệ mới.

Theo người Cơ Ho Cil bản địa, xưa, thung lũng nơi thượng nguồn dòng Đa Nhim này rất nhiều trăn. Có thể vì lẽ đó, người Cil nơi đây gọi tên quê hương mình là K’Long K’Lanh, nghĩa là thung lũng trăn. Giờ đây, ở xứ ấy, cây sâm quý Ngọc Linh đã “bén rễ”, có thể trở thành mô hình điểm mở lối làm giàu cho nhiều người.

Quê gốc tỉnh Kon Tum, xứ sở của sâm Ngọc Linh, bằng tình yêu và niềm đam mê, chàng trai 26 tuổi Trần Cao Nguyên đã đi nhiều nơi nghiên cứu, thực nghiệm để tìm vùng đất phù hợp phát triển loài sâm quý. Sau nhiều chuyến khảo sát thực địa, Nguyên quyết định chọn vùng đất K’Long K’Lanh để đầu tư, mở trang trại trồng sâm Ngọc Linh. Qua hơn ba năm “gieo mầm”, đến nay, trang trại sâm của anh bắt đầu gặt hái thành quả.

Chàng trai 9X kể, từ thuở còn ngồi ghế nhà trường, hằng ngày anh được tiếp xúc với sâm Ngọc Linh, bởi gia đình anh chuyên sản xuất và kinh doanh loại dược liệu quý này. Với mong muốn phát triển loài sâm quý, đến tuổi trưởng thành, Trần Cao Nguyên mong muốn tạo lập trang trại sâm Ngọc Linh cho riêng mình. Năm 2019, anh đặt chân đến vùng “thung lũng trăn”, nơi có độ cao 1.600m so với mực nước biển, khí hậu mát lạnh và nhận thấy, đây là vùng đất lý tưởng để phát triển cây sâm Ngọc Linh, có thể khởi nghiệp làm giàu.

Sau khi nghiên cứu và lập dự án, Nguyên được gia đình hỗ trợ mua 3.500m2 đất tại thôn K'Long K'Lanh, anh bắt đầu đầu tư xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới phun sương để gieo trồng sâm Ngọc Linh theo công nghệ mới. Vườn sâm của Nguyên được trồng theo từng luống rộng 2m, dài hàng chục mét, trên mặt đất được phủ lớp lá cây rừng hoai mục, tạo môi trường gần giống tự nhiên giúp cây sâm phát triển.

Tuy đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh tại quê nhà, nhưng khi đến vùng đất mới và thay đổi cách canh tác, Nguyên vẫn gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu. Lứa sâm đầu tiên số lượng cây chết khá nhiều do bị nấm bệnh và chưa hoàn toàn thích nghi với môi trường nhà lưới. Vừa chăm sóc vườn sâm, Nguyên vừa dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu cách chữa bệnh cho cây, đồng thời học hỏi thêm từ những người có kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh thành công ở Kon Tum và anh đã thành công.

Sau hơn ba năm đặt chân đến vùng đất mới, nay vườn sâm của Nguyên đang cho thu hoạch lá, hạt giống, cây giống và những củ sâm đầu tiên. “Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, được ví là “quốc bảo”. Nếu mô hình này được lan tỏa, chắc chắn sẽ mang lại thu nhập cao cho nhiều người”, Trần Cao Nguyên chia sẻ.

Nguyên cho biết, mỗi năm, vườn sâm của anh được ươm từ 10 nghìn đến 15 nghìn hạt giống, cung ứng thị trường khoảng 8.000 cây. Trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 40kg lá tươi, gần 100kg củ. Vườn sâm hiện đang cho thu hoạch lá, hạt giống, cây giống, củ thành phẩm. Trong đó, lá sâm được anh bán cho đối tác mỗi kilogam từ 4 triệu đến 5 triệu đồng, củ có giá thấp nhất 40 triệu đồng/kg, mỗi hạt giống có giá từ 70 nghìn đến 100 nghìn đồng và một cây giống từ 1 đến 3 năm có giá từ 150 nghìn đến 300 nghìn đồng. “Trang trại có một số luống sâm Ngọc Linh được di thực từ Kon Tum qua, thích ứng và phát triển rất tốt, nay cây cho củ khá lớn và đang thu hoạch”, Nguyên chia sẻ.

Chính quyền xã Đạ Chais cho biết, cây sâm Ngọc Linh bước đầu thích nghi, phát triển tốt tại vùng đất mới này là tín hiệu đáng mừng. Từ mô hình của Trần Cao Nguyên, địa phương sẽ nghiên cứu, có phương án lan tỏa mô hình hay, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Nguyễn Văn Châu, ông đã đến thực tế trang trại sâm của anh Nguyên và cho rằng, trước khi triển khai nhân rộng mô hình phát triển loài cây này cho người dân trong vùng, sở sẽ mời chuyên gia thẩm định, đánh giá giống và chất lượng.