Đối với vùng núi cao, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Ca Dong sinh sống, công tác hỗ trợ thông tin, xác định hướng đi trong việc trồng trọt, chăn nuôi là điều kiện tiên quyết giúp người dân mạnh dạn chọn lựa cách làm ăn phù hợp.
Hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm cho nhà nông
Hơn bốn năm đầu tư, chăm sóc vườn cây trái trên diện tích 5ha, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây đã có thu nhập cơ bản. Hơn 1.000 gốc mắc-ca có tỷ lệ sống cao, cây sinh trưởng tốt, ông Thành trồng xen canh cây bưởi, cây cau để có nguồn thu trang trải cuộc sống hàng ngày cho gia đình.
“Vùng này trồng cây trái hợp, dễ sống nếu chịu khó. Cán bộ xã, huyện hỗ trợ thông tin kỹ thuật, đầu ra sản phẩm và tiềm năng giúp mình lựa chọn giống cây trồng phù hợp nhất để đầu tư, chăm sóc. Cây ăn quả thì cho thu nhập theo tháng, các cây công nghiệp thì thu nhập theo năm”, ông Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Thành thu nhập từ vườn cây ăn quả và cây trồng lâu năm. |
Sau hai năm trồng thử nghiệm giống ổi ruby và triển khai dần trên vùng đất xã Sơn Long, đến nay toàn xã miền núi này có khoảng 30ha ổi ruby. Với giá bán cho hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua từ 30.000-35.000/ký, hơn 100 hộ dân vùng núi cao xã Sơn Long, huyện Sơn Tây có thu nhập đều đặn từ vườn ổi ruby.
Thành công bước đầu, chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng diện tích ổi ruby khoảng 60-70ha. Đến nay, toàn xã Sơn Long có 635 hộ dân, trong đó hơn 200 hộ trồng cây ăn quả, bước đầu hướng đến hình thành vùng chuyên canh ổi, chuối, sầu riêng…
Đến nay, toàn xã Sơn Long có 635 hộ dân, trong đó hơn 200 hộ trồng cây ăn quả, bước đầu hướng đến hình thành vùng chuyên canh ổi, chuối, sầu riêng…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, gia đình ông bắt đầu thử nghiệm trồng cây ăn quả sầu riêng, ổi và hồng giòn từ bảy năm trước. Với phương pháp canh tác hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trái cây sạch của ông được thương lái thu mua giá cao.
“Tôi sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ thông tin, kỹ thuật cho bà con cách trồng và chăm sóc cây ăn quả, giúp người dân có thêm thu nhập từ các loại cây trồng mới”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt bày tỏ.
Tiếp tục hỗ trợ thông tin, kỹ thuật bà con đồng bào Ca Dong, xã Sơn Long sẽ vận động người dân trồng thử nghiệm, làm quen với kỹ thuật trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi. Từ đó, đưa ra định hướng phát triển nông nghiệp vững hơn cho vùng núi cao.
Từng bước phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả ở vùng cao
Để tìm lối đi mới cho ngành nông nghiệp, ngoài những cây trồng chủ lực truyền thống hiện nay như cây cau, gỗ keo… huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục mở rộng đa dạng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp và tăng giá trị hàng nông sản.
Vùng chuyên canh cây ăn quả đang dần hình thành ở vùng cao huyện Sơn Tây. |
Từ năm 2018 đến nay, huyện Sơn Tây đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trồng, nhân rộng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, ổi ruby, sầu riêng, chuối mốc, mắc-ca...
Toàn huyện có hơn 100ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và đang từng bước hình thành vùng chuyên canh; tập trung ở các xã Sơn Liên, Sơn Mùa, Sơn Long và Sơn Dung. Các loại cây trái phù hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt và được thị trường đón nhận, mang lại thu nhập khá cho người dân. “Mỗi vùng phù hợp với cây, con giống khác nhau. Giờ tôi trồng mắc-ca và cây ăn quả thu nhập cũng được. Có lẽ sắp đến diện tích này sẽ mở rộng khi bà con Ca Dong tham gia trồng trọt, sản xuất trên đất vườn của họ”, anh Đinh Văn Vân, xã Sơn Liên dự đoán.
Để tìm lối đi mới cho ngành nông nghiệp, ngoài những cây trồng chủ lực truyền thống hiện nay như cây cau, gỗ keo… huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục mở rộng đa dạng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp và tăng giá trị hàng nông sản.
Ngành nông nghiệp huyện Sơn Tây áp dụng các chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, thông tin và vận động người dân bỏ vốn đầu tư, trồng trọt. Để phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả và bảo đảm tiêu thụ nông sản cho người dân, huyện Sơn Tây tiếp tục tích cực hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu, chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ…
Sầu riêng và nhiều giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao phù hợp ở miền núi Quảng Ngãi. |
Ông Phạm Hồng Khuyến - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây cho biết: “Một số xã đã chủ động tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ theo hình thức hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân cùng làm. Điều này đã thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển, sản xuất theo hướng hàng hóa. Người dân yên tâm sản xuất khi sản phẩm của họ được các tổ hợp tác và hợp tác xã bao tiêu”.