Những kết quả bước đầu thực hiện chương trình mục tiêu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Ngãi

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được kỳ vọng là trợ lực giúp thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để thực hiện chương trình mục tiêu này, giai đoạn 2021–2025, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện tổng mức kinh phí hơn 3.565 tỷ đồng.  
0:00 / 0:00
0:00
Các chương trình giới thiệu hàng hóa, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa.
Các chương trình giới thiệu hàng hóa, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa.

Sau 2 năm thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ 1.081 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu cho 5 huyện miền núi; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 974 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 106 tỷ đồng.

Từ các nguồn vốn của chương trình mục tiêu, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi tập trung thực hiện đầu tư 44 công trình nước sinh hoạt tập trung cho hơn 2.200 hộ thụ hưởng; trong đó, nhiều nhất là các huyện Sơn Tây, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng. Đồng thời, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.150 hộ ở 5 huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí thực hiện gần 5,8 tỷ đồng.

Cùng với đầu tư hạ tầng miền núi, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã triển khai thực hiện 12 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Đến nay, các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang thi công 7 dự án; 5 dự án đang được hoàn thiện thủ tục đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc.

Bên cạnh đó, các địa phương tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con vùng cao; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 213 hộ đồng bào Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ; bố trí nguồn vốn vay 2,4 tỷ đồng cho gần 40 hộ tại 2 huyện Sơn Hà, huyện Ba Tơ vay sản xuất, phát triển kinh tế.

Những kết quả bước đầu thực hiện chương trình mục tiêu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Ngãi ảnh 1

Trang bị kỹ năng cho học sinh ở các trường miền núi về tảo hôn và bạo lực gia đình.

Anh Đinh Văn Thêm ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ cho biết, được hỗ trợ vốn vay gia đình anh tăng đàn chăn nuôi trâu lên 6 con. Sau khi bán được giá, anh lại bổ sung để giữ đàn chăn nuôi của gia đình. “Nuôi khi được giá bán mình trả lãi, phần thì mua thêm con nhỏ nuôi tiếp và dành dụm lo cho gia đình”, anh Thêm chia sẻ.

Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp miền núi để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị được ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi chú trọng thực hiện. Năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ bảo vệ rừng cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với tổng diện tích là 61.100ha; năm 2023, thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 42.000ha trên địa bàn các huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng và Minh Long.

Nhằm thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 2 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị thông tin thu hút đầu tư miền núi; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở vùng cao. Đồng thời, tổ chức chương trình Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi.

Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi tham gia hội chợ, hội nghị, thương mại kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa tại nhiều tỉnh, thành trong nước; tổ chức hội chợ tiêu thụ sản phẩm vùng cao trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm, mô hình kinh doanh hiệu quả của thanh niên; tổ chức 3 phiên chợ kết nối thanh niên, kết nối sản phẩm, giới thiệu văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 236 công trình; trong đó, xây dựng, nâng cấp 169 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi, 8 công trình điện cùng nhiều công trình phục vụ dân sinh khác. Bên cạnh đó, xây mới, sửa chữa nâng cấp 20 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, nhiều công trình cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Những kết quả bước đầu thực hiện chương trình mục tiêu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Ngãi ảnh 2

Hội chợ nông sản miền núi ở huyện Ba Tơ.

Để đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 14 lớp tập huấn về tập huấn cho 580 học viên; các huyện miền núi đã tổ chức nâng cao năng lực cho 884 học viên thuộc nhóm đối tượng cộng đồng và 326 học viên là cán bộ cấp huyện, xã.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức 13 lớp tập huấn chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày cho 279 cán bộ y tế thôn bản; tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 287 cộng tác viên tại 3 huyện Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long; triển khai 12 lớp tập huấn cho 336 người về hướng dẫn đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 16 tuổi.

Các hoạt động tuyên truyền giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các địa phương tập trung thực hiện.

“Để thực hiện chương trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi các giải pháp tập trung phương pháp mới, cách làm mới trong việc hỗ trợ thực hiện các dự án phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình mục tiêu, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân như hỗ trợ dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp, đầu tư hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh triển khai”, đồng chí Nguyễn Thế Nhân, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ.