Hiệu quả từ vùng chuyên canh thanh long lớn nhất Hải Phòng

NDO - Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng mà hàng chục ha trồng thanh long ruột trắng của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Trực Trang (xã Bát Trang, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng) đang ra hoa kết trái tươi tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho bà con nông dân nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Vũ Văn Thùy chia sẻ về giá trị thanh long mang lại cho người dân Bát Trang. (Ảnh: NGỌC TÂN)
Ông Vũ Văn Thùy chia sẻ về giá trị thanh long mang lại cho người dân Bát Trang. (Ảnh: NGỌC TÂN)

Hiệu quả nhờ canh tác hữu cơ

Chúng tôi về xã Bát Trang, huyện An Lão (thành phố Hải Phòng) vào những ngày đầu tháng 5, đâu đâu cũng là màu xanh tươi tốt của những vườn thanh long đang vào vụ, tiếng nói cười ồn ã của những người nông dân đang phấn khởi chăm sóc vườn thanh long của mình át đi những nhọc nhằn vất vả của cái nắng đầu hè. Ai nấy đều thầm cảm ơn loại quả ngọt đã góp phần đổi thay cuộc đời người dân nghèo cũng như bộ mặt kinh tế của cả một vùng quê.

Là người có công trong việc vận động bà con chuyển hướng canh tác cây trồng, ông Hoàng Văn Viên, Phó Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Trực Trang cho biết, trước đây người dân xã Bát Trang chủ yếu trồng lúa và canh tác cây vải. Năm 2015, việc trồng thanh long bắt đầu nhen nhóm tại địa phương. Đến năm 2018, một vài hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi để canh tác thanh long nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến năm 2019, tổng diện tích trồng thanh long của thôn Trực Trang đã đạt 20ha.

Hiệu quả từ vùng chuyên canh thanh long lớn nhất Hải Phòng ảnh 1

Tổng diện tích trồng thanh long của HTX nông nghiệp hữu cơ Trực Trang là 40ha với 300 hộ. (Ảnh: NGỌC TÂN)

Hiện nay, HTX nông nghiệp hữu cơ Trực Trang đang có 20 thành viên là người trong thôn. Tổng diện tích trồng thanh long của thôn là 40ha với 300 hộ. Sản lượng bình quân 1ha đạt 12-15 tấn/năm. Sản lượng trung bình của HTX đạt gần 1.300 tấn/năm. Giá bán dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg. Trung bình 1 sào nông dân có thể thu lợi nhuận 15 triệu đồng/năm, hiệu quả gấp 3-5 lần trồng lúa. Nhờ cây thanh long mà người dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng thanh long.

Ông Viên cho hay, thanh long là loại cây dễ trồng, dễ canh tác, phù hợp với nguồn đất và khí hậu ở nhiều nơi, trong đó có Hải Phòng nên được lựa chọn để phát triển tại địa phương. Cây cho quả từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Chi phí đầu tư thấp lại cho lợi nhuận cao, bình quân tiền vốn là 5 triệu đồng/sào, khả năng sinh trưởng tốt, ít tốn công chăm sóc, 1 vụ cho thu hoạch từ 7-11 lứa.

Xã Bát Trang được thiên nhiên ưu ái khi có 3 mặt giáp sông, lại là nơi thượng nguồn các sông Lạch Tray, Đa Độ nên nguồn nước dồi dào, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, thích hợp để hình thành vùng sản xuất chủ lực về cây ăn quả. Vùng trồng thanh long hữu cơ tại đây đang được thành phố quan tâm, định hướng phát triển để quy hoạch thành vùng chuyên canh, cho phép người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác, trong đó có thanh long.

Thanh long của HTX Trực Trang được tiêu thụ chủ yếu trong địa bàn Hải Phòng, được thương lái thu mua tận vườn, đồng thời xuất hiện tại nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, hội chợ lớn… Sản phẩm thanh long Trực Trang được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ chất lượng thơm ngon, vị ngọt đậm đà, vỏ mỏng, màu sắc bắt mắt lại giàu dinh dưỡng. Ngoài sử dụng trong gia đình còn được dùng làm quà biếu. Với sự ưu việt về chất lượng, thanh long của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, có tem mác hướng đến là sản phẩm OCOP cấp thành phố.

Qua quá trình canh tác và chuyển đổi từ trồng lúa sang thanh long cho hiệu quả kinh tế cao hơn mọi loại cây trồng tại địa phương. Hiện gia đình tôi đang có hơn 1 mẫu trồng thanh long ruột trắng, sản lượng hằng năm đạt trên 1 tấn, thu lợi nhuận 250-300 triệu đồng/mẫu. Dù mới bắt đầu canh tác khoảng 10 năm trở lại đây nhưng cây thanh long đã giúp nhiều bà con ở Trực Trang cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Vũ Văn Thùy, thành viên của HTX nông nghiệp hữu cơ Trực Trang

Ông Vũ Văn Thùy, thành viên của HTX nông nghiệp hữu cơ Trực Trang chia sẻ: “Qua quá trình canh tác và chuyển đổi từ trồng lúa sang thanh long cho hiệu quả kinh tế cao hơn mọi loại cây trồng tại địa phương. Hiện gia đình tôi đang có hơn 1 mẫu trồng thanh long ruột trắng, sản lượng hằng năm đạt trên 1 tấn, thu lợi nhuận 250-300 triệu đồng/mẫu. Dù mới bắt đầu canh tác khoảng 10 năm trở lại đây nhưng cây thanh long đã giúp nhiều bà con ở Trực Trang cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”.

Để thương hiệu và chất lượng thanh long được như ngày nay, không thể không kể tới quá trình chuyển đổi phương pháp canh tác từ truyền thống sang hữu cơ. Với cương vị là Phó Giám đốc HTX, ông Viên nhấn mạnh vai trò của canh tác hữu cơ: “Trồng bằng phương pháp hữu cơ giúp cây thanh long sinh trưởng phát triển tốt hơn, chất lượng quả đều lại ngọt, đồng thời bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, trồng hữu cơ giúp giảm thiểu các loại thuốc bảo vệ thực vật lên cây trồng, giúp cây tăng sức đề kháng, giảm các loại sâu bệnh, nấm mốc đến 80%, trọng lượng quả theo đó tăng từ 350 gram lên 500 gram”.

Thời gian đầu, người dân chưa quen với cách làm này mà còn rụt rè, e ngại, ông Viên cùng chính quyền đã tích cực tham gia vận động bà con chuyển đổi, thay thế tập quán sản xuất truyền thống sang hướng hữu cơ hiện đại để nâng cao hiệu quả. Nhờ đó mà hiện nay, toàn bộ 40ha thanh long của HTX đã đạt chuẩn 100% hữu cơ, được quy hoạch thành vùng trồng chuyên canh theo chỉ đạo của thành phố.

Khắc phục khó khăn, phát triển thương hiệu

Hiệu quả từ vùng chuyên canh thanh long lớn nhất Hải Phòng ảnh 2

Thanh long Bát Trang đang gặp khó khăn trong sơ chế và bảo quản sản phẩm. (Ảnh: NGỌC TÂN)

Dù mang lại hiệu quả song thanh long Bát Trang đang gặp khó khăn trong sơ chế và bảo quản sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

“Thanh long có nhược điểm là chín đồng loạt, quá trình thu hoạch cần khẩn trương, kịp thời nếu không sẽ bị ảnh hưởng tới chất lượng quả. Bởi vậy, với những vườn chín sớm hoặc không đúng thời điểm công ty thu mua người nông dân phải tự tìm cách để tiêu thụ sản phẩm. HTX đang phối hợp với địa phương tiến hành xây dựng kho sơ chế để tích trữ và bảo quản nông sản cho xã viên”, ông Viên cho biết.

Ngoài ra, vấn đề nguồn vốn cũng đang là khó khăn chung của thành viên HTX, cần sự hỗ trợ từ chính quyền để tạo điều kiện giúp bà con mở rộng quy mô và cơ sở hạ tầng để sản xuất loại cây đặc thù này.

HTX nông nghiệp hữu cơ Trực Trang cũng đang phổ biến đến các thành viên phương pháp chong đèn trong làm thanh long trái vụ. Việc chong đèn giúp sưởi ấm cho cây, đồng thời gia tăng thời gian ban ngày để kéo dài quá trình quang hợp, giúp cây sinh trưởng và ra hoa tốt hơn. Phương pháp này thường được sử dụng vào những tháng cuối vụ từ tháng 10 trở ra. Thanh long trái vụ cho giá cao gấp đôi bình thường, thời điểm cận Tết có thể lên tới 50 nghìn đồng/kg. HTX mong muốn địa phương tiếp tục tạo điều kiện về nguồn điện để đẩy mạnh năng suất trái vụ, góp phần nâng cao lợi nhuận.

Khác với canh tác vô cơ, canh tác hữu cơ đòi hỏi người trồng phải có kiến thức về phương pháp, biết điều tiết nước và phân bón qua từng giai đoạn để đạt hiệu quả cao nhất. Chế phẩm sinh học như thân cây thanh long già cỗi được cắt tỉa cùng với các loại chất thải chăn nuôi được tận dụng giúp tăng chất dinh dưỡng cho đất, ngoài ra bà con chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân khoáng do thành phố cung cấp. Trung tâm Khuyến nông huyện An Lão và thành phố Hải Phòng thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn bà con tiếp thu nhiều kiến thức về canh tác hữu cơ trước và sau mỗi vụ mùa, tiếp tục vận động người dân ứng dụng và đẩy mạnh khoa học kĩ thuật vào canh tác, hình thành vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.

Với những thành tựu đã đạt được, HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang đang dần khẳng định vị thế và thương hiệu cho thanh long Bát Trang, trực tiếp cạnh tranh với các vùng trồng khác trên thị trường.

“Thời gian tới, HTX chủ trương ổn định và mở rộng vùng trồng, định hướng phát triển, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng thành viên để nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa thanh long trở thành loại cây thế mạnh của địa phương được nhiều người biết tới”, ông Viên cho hay.

Thanh long của HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2021, chính quyền và người dân xã Bát Trang đang nỗ lực phấn đấu đưa quả thanh long trong năm tới trở thành sản phẩm OCOP hướng đến là cây trồng chủ lực của địa phương.

Đây cũng là một trong những mục tiêu và điều kiện để xã Bát Trang hoàn thành về đích nông thôn mới, vinh dự là một trong 3 xã điểm của huyện An Lão được triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2023.