Thu hút đầu tư vào các địa phương miền núi Quảng Ngãi

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có 61 xã, tập trung ở năm huyện miền núi Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà và Sơn Tây; với diện tích tự nhiên 325.000 ha, chiếm hơn 63% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng miền núi Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế đặc trưng có thể phát triển thành vùng nguyên liệu cây trồng, dược liệu, chăn nuôi lớn.
Vùng miền núi Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế đặc trưng có thể phát triển thành vùng nguyên liệu cây trồng, dược liệu, chăn nuôi lớn.

Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm miền trung, tỉnh Quảng Ngãi tiếp giáp, liên kết giao thông với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam; điều này giúp các huyện miền núi Quảng Ngãi thông thương tốt hơn.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, với diện tích đất tự nhiên rộng lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với các ngành chính là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp và phát triển kinh tế lâm nghiệp; du lịch sinh thái gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Nhiều vùng nguyên liệu đặc trưng miền núi như quế, cau, chè xanh ở các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long… khẳng định chất lượng sản phẩm bản địa ở vùng cao Quảng Ngãi.

Trong nhiều năm qua, huyện Sơn Tây có hơn 1.000 ha cau, cung ứng sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc)… trung bình mỗi vụ, 16 cơ sở tại huyện thu mua, chế biến xuất khẩu khoảng 8.000 tấn cau.

“Chúng tôi rất mong có nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thì giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân còn cao hơn”, anh Đinh Văn Sang, ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây bày tỏ.

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế khu vực miền núi, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết nông nghiệp với lâm nghiệp…

Tuy nhiên, trong thời gian qua, những tiềm năng, lợi thế này chưa được khai thác để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, nhiều chính sách, cơ chế tập trung phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trợ lực quan trọng để các huyện miền núi thu hút đầu tư, khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có. Đồng thời, cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư, hình thành vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất phát triển lâu dài ở vùng cao.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết: “Địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu bản địa, có lợi thế về đất đai, nguồn lao động và các hợp tác xã đang hoạt động. Vì vậy, huyện Sơn Hà sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu hoặc chế biến sâu”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Ngãi tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, thu hút đầu tư cho miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành vùng nguyên liệu, vùng trồng dược liệu quý, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp miền núi…

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ, các lễ hội gắn với thương mại du lịch; hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức các lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại.

Hai năm qua, huyện Ba Tơ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm nông sản thế mạnh để các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận. Chương trình lễ hội, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh gắn với tìm kiếm thị trường liên kết sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa.

Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Vinh khẳng định, vận động người dân trồng cây, chăn nuôi làm kinh tế bài bản hơn và giới thiệu hàng hóa bản địa qua các lễ hội, chợ thương mại cho người dân tiếp cận. Doanh nghiệp tìm hiểu và tính toán hướng đầu tư lâu dài ở miền núi để mang lại hiệu quả hơn…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định bốn hành lang kinh tế và sáu không gian kinh tế động lực; trong đó, các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long và Ba Tơ thuộc khu kinh tế rừng xanh. Nơi đây sẽ hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi.

Thu hút đầu tư miền núi tỉnh Quảng Ngãi kỳ vọng khai thác tiềm năng, lợi thế miền núi; hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn dựa trên tiềm năng, thế mạnh tại địa phương. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.