Triển vọng từ cây mắc-ca

Không tốn nhiều công chăm sóc như hồ tiêu, cà-phê nhưng mắc-ca đang từng bước khẳng định vị thế của mình khi đem lại niềm vui cho người nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định. Phát triển giống cây trồng mang lại lợi nhuận cao này sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân làm giàu trên những mảnh đất khó.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Đặng Văn Khánh giới thiệu những đặc điểm nổi trội của cây mắc-ca.
Ông Đặng Văn Khánh giới thiệu những đặc điểm nổi trội của cây mắc-ca.

Từ những bước đi đầu

Để sở hữu một trong những vườn mắc-ca lớn trên địa bàn xã Vĩnh Sơn, ông Đặng Văn Khánh (Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh) đã trải qua bao phen khó khăn chồng chất, tưởng chừng như buông bỏ. Thế nhưng, với ý chí sắt đá, cuối cùng ông vẫn vực lại được ước mơ phát triển loài cây cho hạt vốn được mệnh danh “hoàng hậu” quả khô.

Những ngày tháng 7 nắng gay gắt, chúng tôi gặp gỡ ông chủ trang trại mắc-ca thuộc dạng lớn trên vùng cao Vĩnh Sơn. Trước khi đến vườn của ông, tôi đã nghe nhiều chuyện về người đàn ông dành cả cuộc đời với niềm đam mê cây cối, người đã từng thử nghiệm trồng trọt rất nhiều loại cây khác nhau để đánh giá xem đâu là loại cây trồng phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao. Quả thật, đến khi gặp người đàn ông này, tôi mới thấy sự rắn rỏi, quyết tâm, niềm tin mãnh liệt của ông trong việc tìm tòi và phát triển một mô hình cây trồng mới có thể giúp bà con nông dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo. Ông Khánh là người đầu tiên ở Vĩnh Sơn mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng nông, lâm nghiệp khác sang cây mắc-ca và hiện đang sở hữu một trang trại rộng lớn với tổng diện tích khoảng 4 ha. Trong hơn 10 năm trực tiếp trồng, khảo nghiệm và rút kinh nghiệm, ông Khánh cho biết, chỉ có một số giống mắc-ca được chọn lọc phù hợp với khí hậu cũng như thổ nhưỡng của đất Vĩnh Sơn thì mới có thể phát triển và cho ra trái đều đặn quanh năm.

Dạo một vòng trong vườn mắc-ca của mình, ông Khánh cho biết, năm 2012, ông trồng 400 cây mắc-ca trong vườn, xen lẫn với các loại cây khác. Ở thời điểm đó, nhiều người nói với ông rằng, trồng cây gì không trồng, lại đi trồng cây “mắc nợ”. Ban đầu, ông rất lo lắng, không biết loại cây này có cho ra trái hay không, nhưng với niềm tin mãnh liệt, vợ chồng ông vẫn tiếp tục chăm sóc, vun vén 400 gốc cây mắc-ca nhập từ Đắk Lắk về. Niềm vui vỡ òa khi đến năm 2017, cả vườn cây mắc-ca của ông đã cho trái bói khiến ông rất vui mừng. Từ thời điểm này, ông chắc chắn rằng, đây là loại cây có thể trồng được ở đất Vĩnh Sơn và có thể mang lại lợi nhuận cao.

Ông Khánh chia sẻ, có lẽ là do khí hậu phù hợp nên vùng đất Vĩnh Sơn rất thuận lợi để trồng giống cây này hơn các loại cây khác. Cây mắc-ca khỏe, chỉ cần phát cỏ, tưới nước, bón phân chứ hầu như không phải phun thuốc. Mỗi năm, sau khi trừ tất cả chi phí từ tiền mua phân bón, thuê người dọn cỏ, người thu hoạch… thì trang trại của ông cho thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện, vườn cây

mắc-ca của ông Khánh phát triển khá đồng đều, tỷ lệ sống tới 95%. Theo ông Khánh, một trong những lợi thế của cây mắc-ca so các loại cây trồng khác như keo, điều, sầu riêng, cà-phê… là công chăm sóc rất ít, nhàn rỗi hơn rất nhiều, thi thoảng có cây bị xì mủ ở gốc, còn chưa có vườn nào bị sâu bệnh cả.

Triển vọng từ cây mắc-ca ảnh 1

Công đoạn bóc tách vỏ hạt mắc-ca còn lạc hậu.

Hiệu quả kinh tế cao

Vĩnh Sơn là xã vùng cao của huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Toàn xã có hơn 700 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào Bahnar, phương thức sản xuất chủ yếu tự cấp, tự túc nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Vì thế, câu chuyện ông Đặng Văn Khánh trồng thành công cây mắc-ca ở đất Vĩnh Sơn đang được một số thanh niên Bahnar học hỏi mô hình để khởi nghiệp.

Theo UBND xã Vĩnh Sơn, đến nay diện tích trồng cây mắc-ca đã tăng lên hơn 40 ha, phần lớn các hộ là những đôi bạn trẻ mới lập gia đình được ông Khánh tư vấn và chọn mắc-ca là cây trồng khởi nghiệp. “Tôi vẫn thường khuyên những người mới lập gia đình rằng, Nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu đãi 50-70 triệu đồng. Trong đó, 30 triệu đồng mua giống trồng được 1 ha mắc-ca, số tiền còn lại dùng cho chi phí phân bón, chăm sóc, thuê người làm cỏ, thu hoạch. Chỉ 5 năm sau, cây mắc-ca sẽ giúp các bạn trả được nợ ngân hàng và những năm tiếp theo sẽ có lãi, bởi đây là giống cây có thể cho thu hoạch lên đến hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm. Còn nếu cứ trồng sắn, lúa, keo, cà-phê… thì chỉ giúp đời sống bà con tạm ổn và khó thoát được nghèo. Theo tôi, nếu huyện có chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho mỗi gia đình trồng 1ha hoặc chỉ cần 5 sào thôi là dứt khoát đời sống bà con nơi đây sẽ thay đổi và trở nên khá giả so trước đây”, ông Khánh nói.

Hiện nay, trên thị trường, cây giống mắc-ca dao động từ 40-50 nghìn đồng/cây. Nếu trồng tập trung, mỗi ha đất sẽ trồng được khoảng 300 cây mắc-ca, tương đương khoảng 12-15 triệu đồng tiền cây giống, nếu tính cả tiền công đào hố, trồng, chăm sóc, thu hoạch thì mất khoảng 25-30 triệu đồng/ha. Đến năm thứ 5 thì cây bắt đầu cho thu bói, khoảng năm thứ 7 sẽ cho thu hoạch chính thức với năng suất từ 3-5 tấn hạt/ha. Với mức giá hiện tại (80-100 nghìn đồng/kg hạt tươi), mỗi ha mắc-ca sẽ thu về từ 200-300 triệu đồng, trừ chi phí ra cũng rất có lợi nhuận vì cây này ít tốn công chăm sóc, khi thu hoạch cũng đơn giản bởi thương lái thường đến tận nơi thu mua quả tươi, nông dân không phải mất công bảo quản lâu. Như vậy, việc đầu tư để trồng mắc-ca không tốn quá nhiều chi phí bỏ ra ban đầu mà hiệu quả kinh tế lại cao.

Còn đó những băn khoăn

Dù đang dần khẳng định được ưu thế vượt trội hơn các cây trồng khác, nhưng do lo ngại rủi ro nên hiện nay số hộ dám mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang cây mắc-ca ở Vĩnh Sơn còn nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn do người dân tự bỏ vốn đầu tư thực hiện, sử dụng giống để trồng từ các dòng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cả những dòng chưa được công nhận. Phần lớn người dân chưa có những thông tin chính thống về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc-ca phù hợp tại địa phương… Vì thế, một số hộ trồng mắc-ca thường gặp khó khăn trong việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây. Bởi có vườn cây trồng cùng thời điểm, nhưng cây cho quả, cây thì không hoặc cho quả không đáng kể khiến năng suất, sản lượng chưa cao. Mặt khác, hiện chưa có cơ sở chế biến mắc-ca trên địa bàn tỉnh nên việc tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch còn gặp khó khăn.

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, vừa qua, người dân trên địa bàn xã Vĩnh Sơn đã tìm ra giống cây thích hợp đưa về trồng ở địa phương, qua đánh giá sơ bộ cây này đã cho hiệu quả và có giá trị tương đối cao, tuy nhiên đây là cây có tính chất công nghiệp dài ngày nên chúng tôi phải nghiên cứu thận trọng và theo dõi chặt chẽ. Nếu cây này phát huy hiệu quả thì chúng tôi sẽ đưa vào trồng trên đất nông nghiệp có độ dốc cao và xác định đây là cây xóa đói, giảm nghèo. Dẫu vậy, cũng cần thời gian để tìm hiểu thêm và xác định giống phù hợp địa bàn để làm sao cây này có thể sinh trưởng, phát triển một cách bền vững, phù hợp phong tục tập quán và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Dẫu còn những băn khoăn lo ngại về một giống cây trồng mới, nhưng với những tín hiệu khả quan về kinh tế của cây mắc-ca mang lại, người dân có thể mạnh dạn đầu tư, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất để đưa cây mắc-ca vào canh tác bền vững, từ đó vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ông Bùi Tấn Thành: “Bên cạnh việc quản lý về diện tích, địa điểm trồng, UBND huyện sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trên cơ sở ưu đãi vay dài hạn, phù hợp với chu kỳ đầu tư, kinh doanh, sản xuất trồng trọt, chăn nuôi để triển khai thực hiện các biện pháp canh tác tiên tiến, đồng bộ”.