Gần 50 năm sau ngày giải phóng, Bình Phước ngày càng phát triển, các điểm di tích lịch sử đang phát huy giá trị trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ.
Về miền di tích
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi về thăm mảnh đất anh hùng Lộc Ninh, một trong những vùng giải phóng đầu tiên trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa trên mảnh đất Lộc Ninh 51 năm, nhưng những ký ức còn mãi trong lòng người dân Lộc Ninh nói riêng và của Bình Phước nói chung.
Cựu chiến binh Lâm Móp chia sẻ: Là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lộc Ninh và cũng là con của liệt sĩ chống Mỹ, cứu nước nên khi thấy quân thù xâm lược, từ năm 16 tuổi, tôi đã đi theo cách mạng cầm súng chiến đấu giành độc lập cho quê hương… Ngay chiến trường Lộc Ninh này, để đánh thắng kẻ thù, chúng tôi phải nằm rừng, ăn củ chụp, ăn lá tàu bay để đánh giặc… Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản vì đất nước, vì nhân dân và cho chính quê hương Lộc Ninh của mình nên phải làm như thế.
Ông Nguyễn Văn Lấy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lộc Ninh nhớ về một thời cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông chưa bao giờ quên những đồng đội, đồng chí từng kề vai sát cánh trong các trận chiến đấu ở Phước Long, Chơn Thành hay Dầu Tiếng (Bình Dương), hỗ trợ mở đường trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: "Đơn vị của tôi là đại đội bộ binh, phần lớn là lính còn rất trẻ, tuổi mới mười chín đôi mươi, tinh thần chiến đấu cao, can trường. Bấy giờ, chúng tôi biên chế thuộc C1 của Huyện đội Bù Đốp. Chúng tôi tham gia nhiều trận đánh giải phóng Phước Long, Chơn Thành và An Lộc. Nhiều anh em bị thương, hy sinh, nhưng chúng tôi giải phóng Phước Long, An Lộc, Chơn Thành và tham gia bảo vệ cầu, đường để các cánh quân phía Tây Bắc tiến về giải phóng Sài Gòn".
Lộc Ninh được giải phóng hoàn toàn vào ngày 7/4/1972. Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời về đóng tại Tà Thiết. Hiện nay di tích căn cứ Tà Thiết là Di tích quốc gia đặc biệt nằm trong khu rừng rộng khoảng 3.500ha. Bếp Hoàng Cầm, hầm giao ban, hầm chữ A, hội trường, nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo như Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng được Bình Phước phục dựng nguyên trạng.
Lộc Ninh được giải phóng hoàn toàn vào ngày 7/4/1972. Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời về đóng tại Tà Thiết. Hiện nay di tích căn cứ Tà Thiết là Di tích quốc gia đặc biệt nằm trong khu rừng rộng khoảng 3.500ha.
Bình Phước nhiều lần đầu tư xây dựng các hạng mục: Tượng đài chiến thắng, đền thờ chính, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cổng chào, khu quảng trường nằm tách biệt cách cụm di tích Căn cứ Tà Thiết khoảng hơn 1km.
Ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết: Di tích lịch sử Tà Thiết là nơi để tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng, vừa là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm, căn cứ Tà Thiết đón khoảng trên dưới 100 nghìn lượt khách về tham quan, học tập, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động về nguồn.
Trong cuộc chiến tranh giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, nhiều tuyến đường chi viện cho chiến trường miền nam, trong đó đường Trường Sơn và đường ống dẫn xăng dầu bắc-nam là tuyến huyết mạch chi viện sức người, sức của. Tại Lộc Ninh là các cụm đường nổi tiếng như: Cụm cuối đường Hồ Chí Minh - nơi gặp nhau của đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh tây Trường Sơn.
Đường Lộc Ninh đi Trung ương cục (Chàng Riệc); trạm cuối đường giao liên (1966); đường thông tin tải ba (cuối 1974); đường ống xăng dầu (1974); tổng kho xăng xầu Lộc Tấn, Lộc Quang; đường sông AtôPơ đi Krachê nối đường ô-tô về Lộc Ninh; khu vực tập kết lực lượng chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).
Vươn lên từ bom đạn
Sau ngày giải phóng, mảnh đất cuối dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Sông Bé, bao gồm địa phận tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương ngày nay. Đến năm 1997, tỉnh Bình Phước được tái lập là vùng đất rộng lớn phía tây bắc vùng Đông Nam Bộ với hơn 40 dân tộc anh em sinh sống.
Khi mới tái lập, kinh tế chủ yếu là lĩnh vực nông-lâm nghiệp (chiếm hơn 70%), các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ quá nhỏ bé; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng…). Thu ngân sách toàn tỉnh hơn 172 tỷ đồng, đời sống nhân dân trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm…
Bằng ý chí và nghị lực, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước một lòng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể để xây dựng tỉnh đi lên. Trải qua 25 năm, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện và bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới.
48 năm sau ngày giải phóng, vùng đất "bom cày đạn xới" năm xưa nay đã trở thành những vùng chuyên canh nông nghiệp trù phú, những khu công nghiệp, đô thị sầm uất và năng động, đem đến cuộc sống no ấm cho người dân. Những người lính năm xưa nay đã là ông, bà tiếp tục tham gia câu lạc bộ "Ông kể cháu nghe" để kể cho các cháu biết về lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông, từ đó hiểu và thêm yêu hơn quê hương, đất nước.
Ông Phạm Văn Chớ, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đến năm 2022, thu ngân sách Bình Phước đạt hơn 14.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/năm. Cơ cấu nền kinh tế địa phương chuyển biến theo hướng giảm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm tỷ trọng 21,46%), tăng khu vực công nghiệp-xây dựng (chiếm 43,19%), dịch vụ (chiếm 31,43%).
Ông Phạm Văn Chớ, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước xúc động chia sẻ: "48 năm sau ngày giải phóng, vùng đất "bom cày đạn xới" năm xưa nay đã trở thành những vùng chuyên canh nông nghiệp trù phú, những khu công nghiệp, đô thị sầm uất và năng động, đem đến cuộc sống no ấm cho người dân. Những người lính năm xưa nay đã là ông, bà tiếp tục tham gia câu lạc bộ "Ông kể cháu nghe" để kể cho các cháu biết về lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông, từ đó hiểu và thêm yêu hơn quê hương, đất nước".
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra nhiều cơ hội cho Bình Phước, nhất là kinh tế cửa khẩu.
Bình Phước phát huy thế mạnh về đất đai, thu hút đầu tư công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Hệ thống giao thông Bình Phước đã kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư. Trong tương lai gần, các dự án cao tốc Chơn Thành (Bình Phước)-Đắc Nông, Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa (Long An) hoàn thành sẽ kết nối liên vùng, tạo ra cơ hội bứt phá cho Bình Phước.