Nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội 11 Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bình Phước đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư, trong đó đẩy mạnh xây dựng các tuyến giao thông kết nối.
Bứt phá hạ tầng giao thông
Năm 1997, tỉnh Sông Bé được chia tách thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Địa phận tỉnh Bình Phước là vùng khó khăn, hạ tầng hầu như chưa có, đây còn là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước, lúc bấy giờ có khoảng 103 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1.200km, trong đó 84% là đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất.
Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, ngày đầu tái lập tỉnh, đường giao thông của Bình Phước vô vàn khó khăn, nhất là tuyến đường từ tỉnh đến huyện, huyện đến xã, đặc biệt là vùng sâu, xa.
Lúc bấy giờ lãnh đạo tỉnh xác định đường giao thông giống như mạch máu của nền kinh tế, chính vì vậy tỉnh tập trung các nguồn lực để xây dựng. Mới tái lập cho nên ngân sách hết sức khó khăn, tỉnh đã huy động các nguồn lực, bao gồm xin chi viện của Trung ương, chi ngân sách tỉnh, huy động sức dân, kết hợp phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tỉnh đã vận động các doanh nghiệp huy động vốn làm đường theo hình thức BOT.
Xác định phát triển giao thông là động lực phát triển kinh tế-xã hôi, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã xây dựng nhiều Nghị quyết ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực này.
Nhờ đó đến nay bộ mặt giao thông có sự phát triển vượt trội, kết nối đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 2.855 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 9.102km. Trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch với điểm nhấn là ba tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 228,9km. Bên cạnh đó, hệ thống đường tỉnh cũng được xây dựng đồng bộ, gồm 15 tuyến với tổng chiều dài 544,18km; đường huyện và các tuyến đường huyết mạch tới các xã, thị trấn được nhựa hóa 100%.
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xây dựng được 6.900km đường giao thông, trong đó giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư với 3.900km đường bê-tông triển khai theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đáng chú ý, từ năm 2019 Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết chuyên đề mỗi năm xây dựng 1.000km đường nông thôn theo cơ chế đặc thù. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 2.000km, tạo chuyển biến tích cực đời sống người dân vùng nông thôn.
Ưu tiên kết nối vùng
Trong bốn tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Đắk Nông) thì đến nay chỉ duy nhất Bình Phước chưa có tuyến đường liên thông với tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những “nút thắt” liên kết vùng, nhất là trong giai đoạn này tỉnh Đồng Nai đang có nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Sân bay quốc tế Long Thành và một số tuyến đường kết nối cảng Cái Mép-Thị Vải.
Mặt khác, Đồng Nai cũng là tỉnh phát triển về công nghiệp bậc nhất của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai đã mở rộng sản xuất và đặt nhà máy gia công ở tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà vì khoảng cách về địa lý đã làm cho chi phí vận chuyển tăng cao.
Chính điều này đã giảm đi sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước. Mặt khác, tỉnh Bình Phước là địa bàn tiếp giáp với Tây Nguyên và cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh Modulkiri, Kratie, Tbong Khmum của nước bạn Campuchia, nhưng chỉ có hai tuyến quốc lộ 13, 14 kết nối, đây được xem là “nút thắt” trong kết nối vùng và kết nối khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất kết luận về phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn.
Trước mắt tập trung, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và địa phương trong triển khai các dự án trọng điểm, như: đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; đường cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Đắk Nông-Chơn Thành; tuyến đường Đồng Phú-Bình Dương kết nối với tuyến đường Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường vành đai 4; tuyến đường phía tây quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành-cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thông với Campuchia.
Sau khi hoàn thành các dự án này, cùng với các tuyến giao thông huyết mạch hiện nay, Bình Phước thuận lợi kết nối vùng, liên vùng. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết giúp Bình Phước phát triển mạnh kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh.
Để các dự án sớm được triển khai, Bình Phước đang thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây trồng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, góp phần giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Đồng thời, tỉnh đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư (PPP), trong đó vốn nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.
Nhờ phát triển hệ thống giao thông có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hình thành các trục động lực phát triển của tỉnh, kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị của tỉnh với nhau và với mạng lưới giao thông quốc gia, tạo đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội; đến nay Bình Phước đã xây dựng được 13 khu công nghiệp, tám cụm công nghiệp, trong đó nhiều khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy 100%; có hơn 10 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỉnh Bình Phước tăng trưởng kinh tế hơn 9%, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 85 triệu đồng; thu ngân sách tỉnh đạt hơn 14,5 nghìn tỷ đồng.