Dự án "Mang rừng về vườn cà-phê" đang chứng minh thành công trong việc triển khai mô hình kinh doanh bền vững tại địa phương.
Dự án "Mang rừng về vườn cà-phê" đang chứng minh thành công trong việc triển khai mô hình kinh doanh bền vững tại địa phương.

"Mang rừng về vườn cà-phê" - mở hướng đi bền vững cho ngành cà-phê Việt

NDO - Đứng dậy sau thiên tai nghiêm trọng vào năm 2020, một dự án đầy tính nhân văn và bền vững đã được ra đời tại Quảng Trị. Dự án "Mang rừng về vườn cà-phê" (Xây vườn thành rừng) do Công ty TNHH Pun Coffee triển khai không chỉ giúp nông dân nơi đây vượt qua khó khăn, mà còn tạo ra một mô hình kinh tế tuần hoàn gắn liền với bảo vệ môi trường và nâng cao sinh kế cho cộng đồng đồng bào thiểu số Vân Kiều.

Với những kết quả ấn tượng trong 3 năm qua, từ việc tăng trưởng thu nhập của nông hộ lên gấp 3 lần, đến việc cải tạo vườn cà-phê thành mô hình canh tác đa dạng sinh học bền vững, Pun Coffee đã chứng minh rằng sản xuất cà-phê có thể vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa bảo vệ thiên nhiên, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thành công của một mô hình kinh tế tuần hoàn

Nhớ lại những ngày khi bắt đầu triển khai vào cuối năm 2021, chị Lương Thị Ngọc Trâm, đại diện Pun Coffee chia sẻ, dự án "Mang rừng về vườn cà-phê" đã nhanh chóng thu hút sự chú ý.

Pun Coffee, với chiến lược đổi mới trong sản xuất nông sản, đã xây dựng được mô hình kinh tế tuần hoàn độc đáo tại các vùng trồng cà-phê của đồng bào Vân Kiều ở khu vực trung Trường Sơn-Quảng Trị.

Trong đó, những vườn cà-phê đơn điệu, trải qua nhiều năm bị tàn phá bởi thiên tai, đã được chuyển đổi thành các khu vườn đa dạng sinh học, với các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu và mô hình nuôi ong lấy mật.

"Mang rừng về vườn cà-phê" - mở hướng đi bền vững cho ngành cà-phê Việt ảnh 1

Những vườn cà-phê được cải tạo, chuyển đổi thành các khu vườn đa dạng sinh học.

Điều đặc biệt là dự án không chỉ tạo ra giá trị kinh tế bền vững mà còn chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là quyền của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Những chị em phụ nữ Vân Kiều yếu thế, vốn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và thiếu cơ hội kinh tế, giờ đây đã có thể chủ động về thu nhập và khẳng định vị thế của mình trong gia đình và cộng đồng.

"Trước đây, chúng tôi chỉ có thể trông chờ vào cà-phê, nhưng giờ thì vườn cà-phê trở thành nơi nuôi sống cả gia đình, với nhiều loại cây trồng khác nhau và thậm chí là nuôi ong lấy mật. Chúng tôi cảm thấy tự tin và có tiếng nói hơn trong gia đình và cộng đồng", chị Mai, một nông dân Vân Kiều chia sẻ.

Dự án "Mang rừng về vườn cà-phê" hướng đến việc canh tác cà-phê bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và cải thiện chất lượng đất.

"Mang rừng về vườn cà-phê" - mở hướng đi bền vững cho ngành cà-phê Việt ảnh 2

Các vườn cà-phê không còn là những khu đất trống đơn điệu mà đã được cải tạo thành hệ sinh thái đa dạng. Các cây trồng như chuối, đậu và cây ăn quả không chỉ giúp gia tăng thu nhập mà còn hỗ trợ duy trì độ ẩm cho đất, ngăn chặn xói mòn và bảo vệ cây cà-phê khỏi sâu bệnh.

Điều này không chỉ giúp các vườn cà-phê tăng năng suất mà còn góp phần vào chiến lược phát triển cà-phê gắn với tín chỉ carbon - một xu hướng mà Pun Coffee kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho cà-phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mô hình này cũng hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn bảo vệ rừng và yêu cầu về canh tác bền vững tại thị trường châu Âu, nơi cà-phê nhập khẩu phải chứng minh không gây ảnh hưởng đến rừng.

Sinh kế bền vững gắn liền với khẳng định vị thế phụ nữ

Một trong những mục tiêu quan trọng của Pun Coffee là tăng cường thu nhập cho các hộ gia đình đồng bào Vân Kiều, đặc biệt là phụ nữ. Trước đây, những phụ nữ Vân Kiều thường không có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động sản xuất và không có tiếng nói quyết định trong gia đình. Nhưng nhờ vào mô hình nông lâm kết hợp và các hoạt động giáo dục cộng đồng, họ đã có thể thay đổi cuộc sống của mình.

"Nhờ mô hình này, tôi không còn phải phụ thuộc vào chồng. Tôi có thể kiếm tiền từ vườn cà-phê, từ việc nuôi ong và chăm sóc các cây ăn quả. Tôi cảm thấy tự tin hơn khi có thể đóng góp cho gia đình và cộng đồng", chị Mai tiếp tục chia sẻ.

"Mang rừng về vườn cà-phê" - mở hướng đi bền vững cho ngành cà-phê Việt ảnh 3

Dự án góp phần giúp chị em phụ nữ Vân Kiều tăng cường thu nhập và nâng cao vị thế của mình trong gia đình và cộng đồng.

Dự án "Mang rừng về vườn cà-phê" đã mang lại những kết quả ấn tượng về kinh tế và môi trường. Chỉ sau hơn 2 năm, thu nhập của các hộ gia đình đã tăng gấp 3 lần, từ 45 triệu đồng/ha/năm lên tới 130 triệu đồng/ha/năm, đóng góp lớn vào việc phục hồi 3.200ha vườn cà-phê bị thiệt hại trước đó.

Về môi trường, mô hình canh tác bền vững đã giúp tăng diện tích phủ xanh đất trồng, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và bảo vệ hệ sinh thái. Các sản phẩm từ vườn cà-phê cũng đang được chế biến thành trà vỏ cà-phê (Cascara tea) và phân bón vi sinh, đồng thời tăng trưởng tín chỉ carbon từ vườn cà-phê.

Bên cạnh đó, dự án còn tập trung vào việc cải thiện giáo dục cho trẻ em gái và ngăn chặn tình trạng bỏ học sớm. Pun Coffee đã và đang triển khai các hoạt động giáo dục, đặc biệt là đối với các em gái đồng bào Vân Kiều, giúp các em có cơ hội học tập và thay đổi tương lai của mình.

Theo chị Trâm, với tầm nhìn đến năm 2030, Pun Coffee đặt mục tiêu không chỉ gia tăng diện tích sản xuất cà-phê bền vững, mà còn mở rộng mô hình ra các địa phương khác như Sơn La, Điện Biên và các khu vực khác có tiềm năng trồng cà-phê.

Dự án kỳ vọng sẽ tăng diện tích hiện tại từ 245ha liên kết với 220 nông hộ lên 600ha canh tác vào năm 2028, đồng thời phát triển các sản phẩm từ cà-phê và các sản phẩm phụ trợ từ vườn cà-phê để tăng thu nhập cho nông dân.

"Mang rừng về vườn cà-phê" - mở hướng đi bền vững cho ngành cà-phê Việt ảnh 4

Dự án đang được triển khai theo hướng gắn với phát triển mô hình du lịch nông nghiệp cộng đồng.

Một trong những điểm đáng chú ý trong chiến lược dài hạn của Pun Coffee là phát triển mô hình du lịch nông nghiệp cộng đồng. Du khách sẽ được trải nghiệm quá trình chế biến cà-phê và tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng, từ đó nâng cao nhận thức về giá trị của thiên nhiên và phát triển bền vững, đồng thời quảng bá hình ảnh văn hoá đồng bào thiểu số Vân Kiều tại địa phương thông qua sản phẩm đặc trưng là cà-phê Arabica.

Đại diện Pun Coffee thông tin, dự án hiện đã thu hút sự quan tâm và học hỏi của nhiều địa phương trồng cà-phê khác trên cả nước, mở ra cơ hội nhân rộng mô hình này không chỉ tại Quảng Trị mà còn tại các khu vực khác có tiềm năng phát triển cà-phê.

Với những thành công ban đầu, "Mang rừng về vườn cà phê" của Pun Coffee không chỉ góp phần khẳng định vị thế của cà-phê Việt Nam mà còn chứng minh rằng mô hình nông nghiệp bền vững có thể là chìa khóa để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế cho cộng đồng.

Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:

1. Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.

2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:

PwC (PricewaterhouseCoopers) - Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.

Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.

Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực

Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, VietnamPlus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, TikTok

Human Act Prize 2024 quy tụ các dự án phát triển bền vững, các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, như Công ty Cổ phần Canifa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, đội ngũ sản xuất chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, quỹ học bổng Vừ A Dính, và nhiều đơn vị khác…

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

back to top