Giải pháp bền vững cho ngành cà-phê Việt Nam trước biến đổi khí hậu

Chủ động nghiên cứu giống cây cà-phê thích ứng với biến đổi khí hậu kết hợp với canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh là “chìa khóa” để đảm bảo tương lai bền vững cho ngành cà-phê Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu.
Giải pháp bền vững cho ngành cà-phê Việt Nam trước biến đổi khí hậu

Thách thức lớn với ngành cà-phê Việt Nam

Biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành sản xuất cà-phê - loại cây trồng nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, nhất là nhiệt độ. Theo nghiên cứu của Viện Môi trường Stockholm (SEI), đến năm 2050 diện tích đất trồng cà-phê trên toàn thế giới có thể giảm đến 50% do nhiệt độ tăng cao, hạn hán kéo dài và sự thay đổi về lượng mưa.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Robusta, giống cà-phê chủ lực chiếm tới 95% sản lượng nước ta và chủ yếu được trồng tại Tây Nguyên, dù ít nhạy cảm với nhiệt độ hơn Arabica, nhưng lại rất dễ bị tổn thương bởi hạn hán.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nắng nóng gay gắt và kéo dài bởi El Nino, sâu bệnh cùng diện tích đất trồng cà-phê ngày càng thu hẹp sẽ khiến sản lượng cà-phê của cả nước trong niên vụ 2024-2025 giảm tới 20% xuống còn 1,47 triệu tấn - mức thấp nhất trong 4 năm qua. Con số này được dự báo sẽ giảm thêm nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được cải thiện.

Không chỉ sản lượng, sự thay đổi của thời tiết còn tác động trực tiếp tới sinh trưởng và phát triển của cây cà-phê, dẫn tới sự sụt giảm về năng suất và chất lượng. Theo TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ Thuật - Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), hạn hán sớm vào cuối mùa mưa và mưa sớm vào đầu mùa khô sẽ ảnh hưởng tới việc ra hoa, đậu quả. Ngoài ra, mưa nhiều, khô hạn cũng ảnh hưởng tới tích lũy chất khô của cây và điều kiện lưu trữ sản phẩm sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, vấn đề thiếu nước trầm trọng vào mùa khô cũng khiến quá trình sản xuất cà-phê trở nên khó khăn hơn, tốn kém hơn. Chưa kể, chi phí sản xuất tăng mạnh do giá phân bón và nhân công tăng cũng góp phần co hẹp lợi nhuận của người nông dân, ngay cả khi giá cà-phê Robusta đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Điều này giải thích tại sao một số nông dân tại khu vực Tây Nguyên chặt bỏ cà-phê và chuyển sang các loại cây trồng thay thế như sầu riêng và bơ trong những năm gần đây.

Giải pháp hiệu quả cho tương lai của ngành cà-phê

Trước những áp lực từ biến đổi khí hậu, việc phát triển giống cà-phê có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu được xem là giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai ngành cà-phê Việt Nam cũng như sinh kế của hàng trăm nghìn hộ nông dân. Đây cũng là hướng nghiên cứu mà WASI theo đuổi từ năm 2010 đến nay.

Năm 2011, WASI đã ký kết hợp tác với Nestlé Việt Nam nhằm nghiên cứu giống cà-phê mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt để cung cấp cho người nông dân. Theo đó, ngoài hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ và thiết bị phục vụ nghiên cứu, Nestlé thông qua Viện nghiên cứu và phát triển Tours (Pháp) còn tài trợ các vật liệu giống kháng hạn để phục vụ công tác nghiên cứu, khảo nghiệm và lai tạo ra các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh, chống chịu hạn và phù hợp với điều kiện canh tác tại Việt Nam cho WASI.

Giải pháp bền vững cho ngành cà-phê Việt Nam trước biến đổi khí hậu ảnh 1

Phòng nuôi cấy mô tại Viện Khoa học kỹ Thuật - Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI).

“Từ các nguồn hỗ trợ từ Nestlé và Viện nghiên cứu và phát triển Tours (Pháp), Viện đã tiến hành khảo nghiệm và sử dụng để chọn lọc trực tiếp cũng như lai tạo với các giống thương mại của Việt Nam. Quá trình nghiên cứu bước đầu đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Một số dòng cà-phê có thể giúp bà con nông dân giảm một lần tưới, khắc phục được vấn đề thiếu nước, giảm chi phí đầu vào, mà vẫn cho năng suất, chất lượng cao”, Thạc sĩ Đinh Thị Tiếu Oanh - Trưởng bộ môn Cây công nghiệp (thuộc WASI) nói và kỳ vọng có thể sớm công bố các giống mới trong thời gian tới.

Về phía Nestlé Việt Nam, đại diện doanh nghiệp cho biết việc hợp tác với WASI là một phần trong chương trình NESCAFÉ Plan - dự án được Tập đoàn Nestlé triển khai tại các vùng cà phê trọng điểm trên toàn cầu từ năm 2010 và tại Việt Nam vào năm 2011 nhằm đồng hành cùng người nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế.

“Quá trình nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất những giống cà-phê thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ cần nhiều thời gian để khảo nghiệm. Do đó, việc cần làm trước mắt là giúp bà con sớm tiếp cận với những kỹ thuật canh tác hiện đại, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước… để nâng cao chất lượng và độ phì nhiêu của đất, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học. Cải tạo đất sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2 vào đất và tạo ra nhiên liệu sinh khối từ thực vật, từ đó giúp cây cà-phê chống chịu tốt hơn và cho năng suất cao hơn”, đại diện Nestlé Việt Nam chia sẻ.

Yếu tố quan trọng thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững nói chung và trong ngành cà-phê nói riêng không chỉ là mục tiêu mà còn là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan Nhà nước, khối tư nhân, doanh nghiệp và cả người trực tiếp sản xuất.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho rằng hợp tác công - tư sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, giúp huy động hiệu quả nguồn lực của toàn xã hội.

Giải pháp bền vững cho ngành cà-phê Việt Nam trước biến đổi khí hậu ảnh 2

Áp dụng phương pháp canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh, vườn cà-phê của bà con nông dân tham gia chương trình NESCAFÉ Plan xanh tốt trước niên vụ 2024 - 2025.

Qua đây, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng đánh giá cao mô hình hợp tác công tư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nestlé thông qua chương trình NESCAFÉ Plan, khẳng định sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và nông dân trong dự án đã mang lại những tác động tích cực cho ngành cà-phê Đắk Lắk và Tây Nguyên.

“Trong mối liên kết này, nông dân là chủ thể chính và cũng là người hưởng lợi ích đầu tiên. Với sự hỗ trợ từ Nestlé, họ được mua giống cây chất lượng cao từ WASI với mức giá tốt hơn, được đào tạo, tập huấn về nông nghiệp tái sinh một cách bài bản. Nhờ đó mà giảm được chi phí sản xuất và nâng cao lợi nhuận”, ông Hiển nhận định.

Giải pháp bền vững cho ngành cà-phê Việt Nam trước biến đổi khí hậu ảnh 3

Ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk

Với những diễn biến khó lường, biến đổi khí hậu có lẽ sẽ còn đặt ra nhiều thách thức với ngành cà-phê Việt Nam. Tuy nhiên, sự chủ động và quyết tâm của các bên liên quan sẽ là trợ lực để ngành cà-phê vượt qua khó khăn và vững vàng trên thị trường quốc tế.

Hơn 13 năm được triển khai tại Việt Nam, chương trình NESCAFÉ Plan đã phối hợp cùng WASI hỗ trợ phân phối hơn 74 triệu cây giống kháng bệnh và năng suất cao sử dụng cho mục đích tái canh; giúp hơn 21.000 nông hộ chuyển đổi canh tác bền vững theo bộ quy tắc chứng nhận quốc tế 4C; hỗ trợ cây giống cho trung bình trên 10.000 hộ nông dân mỗi năm (2011-2023). 90% nông dân tham gia NESCAFÉ Plan sử dụng phương pháp cây che phủ tự nhiên (trên tổng số vườn được khảo sát), 86% vườn đa dạng hóa cây trồng với trung bình 3 loài khác nhau.