Lưu giữ nét đẹp chiếc áo bà ba

Mới đây, lần đầu tỉnh Hậu Giang tổ chức Festival Áo bà ba với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách. Nét duyên dáng cùng với lịch sử lâu đời, chiếc áo bà ba đã trở thành biểu tượng văn hóa, vẻ đẹp của người phụ nữ miền Tây Nam Bộ...
0:00 / 0:00
0:00
Áo bà ba do các người mẫu chuyên nghiệp và không chuyên trình diễn trong chương trình nghệ thuật “Nụ cười Hậu Giang”.
Áo bà ba do các người mẫu chuyên nghiệp và không chuyên trình diễn trong chương trình nghệ thuật “Nụ cười Hậu Giang”.

Nhắc đến áo bà ba, một loại trang phục truyền thống của người dân Nam Bộ, nhiều người thường liên tưởng đến vẻ đẹp thuần hậu, mộc mạc, dịu dàng của người phụ nữ ở đây. Triển lãm ảnh “Áo bà ba xưa và nay” trong khuôn khổ festival đã đưa chúng ta ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất phương nam thuở mới lập làng, lập ấp.

Nơi đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy “bộ ba” gồm áo bà ba, khăn rằn và nón lá kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam Bộ. Áo bà ba là biểu tượng, là tâm hồn, là kết tinh của quê hương xứ sở; là hồn Việt từ mấy trăm năm qua, kể từ khi cha ông khai phá mảnh đất phương nam này.

Nét đẹp của chiếc áo bà ba còn được thể hiện qua màn trình diễn “Áo bà ba trên sông”. Điểm nhấn của festival là chương trình nghệ thuật “Nụ cười Hậu Giang” với những chiếc áo bà ba do các người mẫu chuyên nghiệp và không chuyên trình diễn được dệt và may từ tơ khóm (dứa) Cầu Đúc, một trong những đặc sản của tỉnh Hậu Giang.

Hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 2.800 ha khóm Cầu Đúc, ngoài việc thu hoạch trái, thì với diện tích khóm khá lớn, nguyên liệu để nghiên cứu dệt vải cũng là một lợi thế của Hậu Giang trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp sau này. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, Tổng đạo diễn Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023, thông điệp mà Festival Áo bà ba muốn truyền tải đến mọi người trong và ngoài nước là sự thấu hiểu những bản sắc văn hóa tốt đẹp của miền sông nước Nam Bộ.

Hưởng ứng Festival Áo bà ba, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã phát động “Tuần lễ Áo bà ba” nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh áo bà ba, tôn vinh giá trị truyền thống của trang phục áo bà ba trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, giá trị truyền thống trong mỗi phụ nữ, người dân.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, Festival Áo bà ba lần này là một trong những hoạt động góp phần tôn vinh giá trị của áo bà ba trong đời sống xã hội. Từ đó, để mọi người tự hào và thấy trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống này. Hội phát động tất cả các cán bộ hội chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở, hội viên, phụ nữ; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tỉnh ưu tiên chọn trang phục áo bà ba trong các hoạt động ở công sở, trường học, đơn vị, các sự kiện trong gia đình và xã hội; tạo sức lan tỏa bằng nhiều hình thức, nhất là mạng xã hội, để tạo nên một hình ảnh đẹp.

Bà Macine Bachelot Nguyen, đạo diễn và diễn viên người Pháp tham gia lễ hội này, bày tỏ: “Tôi có bà nội là người Việt Nam, khi mặc chiếc áo này, tôi cảm thấy rất đẹp, thanh lịch và gọn gàng. Chiếc áo này còn gợi trong tôi những ký ức về người bà của tôi, những người họ hàng của tôi ngày xưa cũng mặc chiếc áo này”.

Có thể nói, Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023 là sự kiện văn hóa góp phần nâng cao giá trị tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tích hợp nét đẹp văn hóa truyền thống với cuộc sống hiện đại để thu hút du khách và nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Chính vì thế, Festival Áo bà ba không chỉ là trình diễn thời trang thông thường mà là một lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc Nam Bộ.

Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, thông qua sự kiện Festival Áo bà ba, Hậu Giang mong muốn sẽ trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với bạn bè, đối tác, du khách trong nước và ngoài nước. Sự kiện này sẽ được tỉnh Hậu Giang tổ chức định kỳ hằng năm với kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực để tỉnh đạt được mục tiêu “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, từng bước xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước trong tương lai không xa.

Hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ với chiếc áo bà ba mãi là một thương hiệu rất riêng, tô thêm nét đẹp dịu dàng, dung dị của người dân vùng sông nước. Chiếc áo bà ba thấp thoáng trên mọi nẻo đường, dòng sông, đồng ruộng, góc nhà Nam Bộ, mãi là hồn phách của một vùng đất được “ướp nồng và lên men rượu” qua mấy trăm năm mở đất, khai hoang, chiến đấu, yêu thương, khai hoa, kết nụ. Áo bà ba sẽ hóa hồn đất, hồn người, góp phần tôn tạo thêm nét hồn hậu của sông nước miệt vườn Nam Bộ bền vững đến ngàn sau.