Lưu giữ, bảo tồn di sản sân khấu

Trong các ngành nghệ thuật biểu diễn, sân khấu là loại hình có lịch sử lâu đời nhất. Ngay từ thời nhà Đinh, nghệ thuật chèo, tuồng và xiếc đã hình thành và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở "Người đi dép cao su".
Cảnh trong vở "Người đi dép cao su".

Trải qua thời gian, thêm nhiều bộ môn khác đã hiện diện, trẻ nhất là bộ môn kịch nói với lịch sử hơn 100 năm, tạo nên sự phong phú của nền sân khấu Việt. Nhìn từ khía cạnh di sản văn hóa, sân khấu xứng đáng là giá trị cần được lưu giữ, bảo tồn, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều bất cập.

Tại các trường đào tạo sân khấu điện ảnh hiện nay, công tác giảng dạy cho các nghệ sĩ trẻ chuyên ngành sân khấu đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn tư liệu. Lý do là trong suốt quá trình phát triển của sân khấu, công tác sưu tập, lưu giữ những thước phim tư liệu, hình ảnh vở diễn, tạo hình, hóa trang nhân vật... không được thường xuyên, liên tục, không mang tính hệ thống.

Để các nghệ sĩ trẻ hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của từng bộ môn như chèo, tuồng, hát bội, cải lương, kịch hát... các giảng viên phải tự mày mò tìm kiếm tư liệu.

Cần phải có một chủ trương lớn tập hợp, tìm kiếm các tư liệu về sân khấu suốt chiều dài hình thành và phát triển.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh

Cùng với thời gian, việc sưu tầm, tìm kiếm lại ngày càng khó khăn. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải có một chủ trương lớn tập hợp, tìm kiếm các tư liệu về sân khấu suốt chiều dài hình thành và phát triển. Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Nhiều người cho rằng, nếu chúng ta không bắt tay ngay vào công việc sưu tầm các tư liệu quý về sân khấu cổ truyền thì các giá trị văn hóa đáng quý của dân tộc sẽ ngày càng bị mai một.

Nhìn lại, cho đến nay, chỉ có sân khấu cải lương ở khu vực phía nam là còn lưu giữ được khá nhiều băng đĩa, vở diễn từ nửa đầu thế kỷ 20. Những tư liệu quý giá này còn lại được nhờ vào tình yêu, lòng mến mộ của một số khán giả thông qua các bộ sưu tập cá nhân. Chẳng hạn, nghệ sĩ Đình Trí, con trai của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Lệ Thủy đã bỏ công sưu tập hàng trăm đĩa hát từ đĩa nhựa tới cassette, video, CD, DVD, tranh ảnh, poster, tư liệu báo chí viết về cải lương... qua các thời kỳ.

Nhờ có bộ sưu tập khá đầy đủ này mà các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, các giảng viên có địa chỉ để khai thác thông tin, tư liệu về nghệ thuật cải lương khi cần. Đáng tiếc là nhiều bộ môn sân khấu khác đang dần mất đi nguồn tư liệu vì không có người, không có nơi gìn giữ. Ngay tại các nhà hát, việc lưu giữ các tư liệu liên quan đến hoạt động nghệ thuật của chính mình cũng còn nhiều thiếu sót do một số lãnh đạo chưa nhìn thấy tầm quan trọng của vấn đề này.

Từ thực tế nêu trên, các nhà chuyên môn đã đặt vấn đề cần thiết phải có một viện nghiên cứu sân khấu, thậm chí là một bảo tàng lưu giữ các tư liệu, hiện vật quý liên quan đến các vở diễn sân khấu, các nghệ sĩ sân khấu.

Chúng ta có một nền sân khấu đa dạng thể loại: chèo, tuồng, cải lương, hát bội, hát văn, hát xẩm, kịch hát, xiếc, kịch nói... mỗi loại hình đều để lại những dấu ấn đặc biệt về vở diễn, gương mặt các nghệ sĩ.

Qua mỗi thời kỳ, sân khấu có những thay đổi về cả nội dung và hình thức cho phù hợp với tâm lý tiếp nhận của công chúng. Đổi mới sân khấu luôn là câu chuyện được quan tâm, nhất là thời điểm sân khấu đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình nghệ thuật khác trong thời đại công nghệ số như hiện nay.

Nhưng mọi sự đổi mới bền vững đều phải xuất phát từ truyền thống. Sẽ rất khó cho các nghệ sĩ trẻ nếu họ thiếu các tư liệu để học hỏi, nghiên cứu về sân khấu truyền thống để làm cơ sở sáng tạo, đóng góp vào sự đổi mới sân khấu hiện đại. Ngành văn hóa nói chung, Hội Nghệ sĩ sân khấu nói riêng cần nhanh chóng có một chiến lược phù hợp để sưu tầm, giữ gìn, bảo quản các tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan lịch sử hình thành và phát triển các loại hình nghệ thuật sân khấu.

Đánh giá đúng mức tầm quan trọng của sân khấu trong đời sống nghệ thuật, “làm sống lại” các giá trị quý giá của sân khấu chính là yếu tố cần thiết giúp cho sân khấu đến gần hơn với khán giả.