Tư duy chèo Trần Bảng

Từ cái thuở “Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” các cụ trùm như Trùm Thịnh, Trùm Mược... tung hoành nghề xướng ca, là gạch nối giữa sự chuyển giao thế hệ, là một trong những người được phân công đặt nền móng cho nền nghệ thuật sân khấu Cách mạng Việt Nam, bao năm qua, chúng ta có “cụ trùm chèo” - GS, NSND Trần Bảng.
0:00 / 0:00
0:00
NSND Trần Bảng cùng các nghệ sĩ chèo trong một chương trình biểu diễn. Ảnh: NGUYỄN THÀNH
NSND Trần Bảng cùng các nghệ sĩ chèo trong một chương trình biểu diễn. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Chèo là máu thịt

Con người “tây học” Trần Bảng (1926-2023) đã sớm nhận ra: Chèo là một hiện tượng sân khấu dân tộc, là tiếng nói tâm hồn của người dân Việt Nam, đồng bằng Bắc Bộ. Đặt trong hệ tham chiếu của sân khấu, ông đã có những nhận thức mang tính nền tảng cho sự kế thừa, phát triển của chèo hôm nay.

Chèo thân thuộc với con người, với đời sống, với Trần Bảng, hằng ngày, hằng giờ và cả cuộc đời. Gắn bó với chèo là nghiệp. Chỉ có người ăn chèo, uống chèo, ngủ chèo mới hiểu và yêu chèo đến thế. Ông thấy chèo như máu thịt bởi, chèo không chọn một lối diễn tả chính như ngôn ngữ đối thoại trong kịch nói, hay như động tác hình thể của kịch múa, mà lấy tổng thể các phương tiện diễn tả và nhiều cung bậc cảm xúc của con người để tạo nên ngôn ngữ biểu diễn cho mình. Ở chèo, thấy cốt cách người Việt qua cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện, tạo nên một đời sống với những giá trị cốt lõi, bởi nó đã tổng hòa các giá trị nghệ thuật dân gian, đã nhào nặn văn hóa truyền thống bằng tinh thần chèo. Trong cuốn “Khái luận về chèo”, xuất bản năm 1999, ông đã cho biết: Nghệ thuật biểu diễn của chèo khai thác chất liệu từ kho tàng văn nghệ dân gian vô cùng phong phú của không chỉ một địa phương mà là cả khu vực miền Bắc Bộ. Về ca hát ngoài dân ca ra, chèo còn xử lý các lối nói, lối ngâm vịnh, các điệu hát của ca trù, chầu văn, các lối nói, xướng ca của nhà chùa, bằng cách biến hóa hoặc giữ luôn giai điệu (có khi cả lời hát), mà chỉ thay đổi phần đệm, phần luyến láy và tiết tấu cho phù hợp với tính cách nhân vật và tình huống của tích trò.

Trò chèo kể tích truyện, kể tình người. Trò chèo của các cụ được Trần Bảng say mê, nung nấu, ba lần bảy lượt cấu trúc lại. Các cụ kể tích Quan Âm, tới lần thử nghiệm thứ ba, Trần Bảng đã hoàn thiện vở chèo “Quan Âm Thị Kính”, với các tích trò ruột được cấu trúc sân khấu chặt chẽ. Cấu trúc mảnh trò đã ra đời trong tư duy chèo Trần Bảng. Làng sân khấu hân hoan, tự hào với bè bạn quốc tế bởi trong nền nghệ thuật sân khấu kịch hát có chèo, mảnh hồn dân tộc Việt.

Tư duy chèo Trần Bảng ảnh 1

GS,NSND, đạo diễn Trần Bảng.

Người hiền

Thầy Trần Bảng là người của nhà chèo, học trò nào cũng biết, cũng yêu kính, gọi cụ trùm, hay thân thiết, gần gụi thì gọi ông Bảng. Ông Bảng dạy bao thế hệ, ông Bảng luôn nói giọng cao vói lên khi nói về chèo bởi ông không kìm được tình yêu với chèo, lại muốn thể hiện, muốn lan tỏa tình yêu chèo tới mọi người. Và ông cũng vui, cũng hạnh phúc lắm khi nhận lại được tình yêu đó. Chả thế mà, hội diễn chèo không chuyên toàn quốc tại Đông Anh (Hà Nội) đầu những năm 2000, thầy Bảng cũng nhận lời làm chủ khảo. Bởi thầy yêu chèo, yêu người làm chèo, nên chẳng sợ kém sang, dù thầy đã từ kinh qua những chức phận cao nhất của nghệ thuật chèo chuyên nghiệp. Rồi hằng ngày, với sự mẫn tiệp, ông Bảng vẫn chơi Facebook để quan sát học trò, để động viên học trò yêu chèo, gắn bó với chèo. Mỗi khi các học trò đến thăm thầy, câu chuyện nào có gì khác hơn chèo. Đời sống của ông là chèo mà!

Thế hệ diễn viên được ông lên sàn dàn dựng lại “Quan Âm Thị Kính”, “Súy Vân”, sau này là “Nàng Thiệt Thê”... - các vở chèo ra đời từ tư duy cấu trúc mảnh trò Trần Bảng và các cộng sự, cũng đã lên hàng lão tướng ngành chèo. Sinh viên lớp biên kịch đạo diễn kịch hát dân tộc khóa 1 do thầy Trần Bảng đào tạo, cũng đã cống hiến xong chức phận, đã nghỉ hưu, nhưng tình yêu chèo, yêu sân khấu kịch hát dân tộc được trao truyền từ thầy thì vẫn là ngọn lửa bền bỉ mãi.

Chèo tả ý, tả tình, tả thần, người làm chèo tinh tế, không ồn ào mà sâu lắng. Người chèo ngọt ngào như câu hát, mềm như điệu múa và lắng đọng sự chiêm nghiệm về cuộc đời. Nhưng lại nói lên bằng sự cảm thông, bi thương vừa phải, trữ tình thiết tha và một tinh thần trào lộng tươi tắn. Chúng ta gặp nghiệp chèo vận vào con người thầy Trần Bảng, trong cái cách ông đối với đời, với người, với nghề. Trần Bảng chèo - chèo làm nên Trần Bảng hiền từ ung dung, thiết tha với đời chèo mãi. Trong bài thơ “Ung dung thầy Trần Bảng”, của học trò Lương Tử Đức viết thành tranh mừng thọ thầy 70 tuổi, năm 1995, có những câu:

“Ung dung khép mở cánh màn

Bốn mùa sáo, nhị, trống, đàn, hiếu sinh

Ô rằng vậy! Đa mang tình

Ấy chẳng qua cứ vận mình vào ai

Dững như cốt trúc, hồn mai

Trong ươm nắng hạ cho ngoài mưa xuân”.

Làng chèo đối với thầy, kính trọng người tài, thương mến người hiền, nhớ tiếc thầy cùng những năm tháng chèo rực rỡ, tiếp nối nỗi niềm chèo của thầy trước những thăng trầm chèo hôm nay. Bài học thầy để lại với những đúc kết về thành công, những chân thành nhận ra sự chưa được trong quá trình thử nghiệm sáng tạo, là công lao, là vốn quý và trên hết là một tinh thần chèo Trần Bảng hiếm thấy hôm nay.