Lực đẩy cho thành phố Cảng tăng trưởng bứt phá

Sau 30 năm hình thành và phát triển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đã khẳng định vị trí quan trọng, là lực đẩy cho kinh tế-xã hội thành phố Cảng tăng trưởng bứt phá liên tục, góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố và đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Deep-C, một trong những khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khu công nghiệp Deep-C, một trong những khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tháng 7/1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng - sự kiện khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế thành phố Cảng với nhiều cơ chế, chính sách mới.

Tính đến tháng 8/2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đã thu hút 708 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư 38,1 tỷ USD. Trong đó, gồm 494 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 25 tỷ USD; 214 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ USD (tương đương 309 nghìn tỷ đồng).

Với kết quả này, Hải Phòng giữ vị trí thứ sáu cả nước về thu hút đầu tư và đứng thứ hai trong các địa phương miền bắc, sau Thủ đô Hà Nội. Đáng chú ý, giai đoạn 2008-2023 với sự thành lập Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, tổng vốn đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp của Hải Phòng đã đạt gần 36 tỷ USD, bình quân đạt khoảng 2,33 tỷ USD/năm, gấp 1,6 lần tổng vốn đăng ký đầu tư của cả giai đoạn 1993-2007.

Các tập đoàn, công ty lớn trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới và Việt Nam đã đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp và đặt “căn cứ” tại Hải Phòng như: Tổ hợp nhà máy sản xuất ô-tô VinFast với tổng vốn đầu tư 175 nghìn tỷ đồng; Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 5 dự án có tổng vốn đầu tư 9,24 tỷ USD và dự án sản xuất lốp xe ô-tô trị giá 1,224 tỷ USD của Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản); dự án may mặc cao cấp của Regina Miracle (Hồng Kông, Trung Quốc) trị giá 1 tỷ USD; dự án sản xuất sản phẩm điện tử Pegatron (Đài Loan, Trung Quốc) có vốn đầu tư hơn 480 triệu USD…

Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn LG Innotek Việt Nam Hải Phòng Park Hong Keun cho biết, LG Innotek đầu tư vào Hải Phòng từ năm 2016 với số vốn 500 triệu USD. Quá trình phát triển nhận thấy môi trường thuận lợi và sự hỗ trợ tích cực của chính quyền Hải Phòng, doanh nghiệp đã liên tục tăng vốn đầu tư, đến nay đạt 2 tỷ USD để mở rộng sản xuất. Và nhà máy của LG Innotek tại Hải Phòng là nhà máy lớn nhất trong số năm nhà máy của công ty trên toàn thế giới…

Tổng vốn đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng đã tăng lên hơn 43% trong giai đoạn 2004 đến nay. Riêng vốn đầu tư FDI bình quân cho một dự án cấp mới trong khu công nghiệp đạt 56 triệu USD, gấp 2,8 lần so mức bình quân chung cả nước và gấp 6,3 lần so với dự án bên ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế. Cùng với đó, suất đầu tư trung bình trên một héc-ta diện tích trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 11 triệu USD, cao hơn nhiều so với các dự án bên ngoài. Điều này cũng phản ánh quy mô đầu tư, chất lượng ngày càng cao của các dự án FDI và các nhà đầu tư đang hình thành xu hướng chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, những dự án sử dụng ít năng lượng, thân thiện môi trường; giảm dần các dự án sử dụng nhiều lao động.

Trong đó, cơ cấu vốn đầu tư cũng có sự thay đổi mạnh mẽ với việc gia tăng nguồn vốn đầu tư trong nước. Cùng với nguồn vốn nước ngoài tăng nhanh, thì Hải Phòng cũng đã tạo được sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước. Vốn đầu tư trong nước vào thành phố đã tăng lên 36,8% (giai đoạn từ 2008 đến nay). Kết quả này cũng cho thấy sự khởi sắc của các doanh nghiệp trong nước đã và đang phát triển mạnh, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Chỉ tính trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đạt 683,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82% tỷ trọng giá trị công nghiệp toàn thành phố, gấp khoảng 81 lần so giá trị sản xuất công nghiệp năm 2003. Hải Phòng luôn trong tốp đầu của cả nước về tốc độ tăng trưởng và đứng thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, giá trị xuất khẩu của thành phố tăng từ 12 nghìn tỷ đồng giai đoạn 1993-2007 lên 2,27 triệu tỷ đồng trong giai đoạn từ 2008 đến nay, cao gấp hơn 189 lần so với giai đoạn trước. Đặc biệt, năm 2022, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt 581,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 95,2% tổng giá trị xuất khẩu toàn thành phố, đứng thứ năm cả nước, đứng thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng…

Các khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển đã góp phần gia tăng mạnh mẽ nguồn đóng góp ngân sách nhà nước. Số đóng góp cho ngân sách đã tăng lên hơn 80 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2008-2023, gấp gần 50 lần giai đoạn trước. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho gần 200 nghìn lao động với thu nhập trung bình 10,2 triệu đồng/người/tháng.

Theo Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, kết quả trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng có được là từ tầm nhìn và tư duy chiến lược của cả hệ thống chính trị thành phố của các thời kỳ, với mục tiêu xuyên suốt là “kiến tạo một môi trường đầu tư an ninh, an toàn để tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến, thành công trong phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố qua 30 năm đã góp phần quan trọng để Hải Phòng thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao liên tục, bền vững và giúp giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Cùng với đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và là giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là cơ sở quan trọng để Thành ủy Hải Phòng hoạch định các bước phát triển tiếp theo nhằm tạo động lực để thành phố Cảng sớm hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo các Nghị quyết của Đảng đề ra.

Để duy trì và gia tăng động lực cho Hải Phòng tiếp tục phát triển bứt phá, thành phố chủ trương tiếp tục phát triển mạnh mẽ khu công nghiệp, nhất là khu kinh tế mới nhằm khai thác dư địa, tiềm năng của khu vực ven biển phía nam thành phố.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, một địa phương phát triển thịnh vượng, thì phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9-10% và kéo dài liên tục trong nhiều năm liền. Để có động lực tăng trưởng và duy trì trong dài hạn cần xây dựng nhiều khu kinh tế, thậm chí là khu kinh tế tự do để tạo ra động lực tăng trưởng mới. Các địa phương như Hải Phòng cần phải đi đầu, đi trước trong việc tạo ra một không gian phát triển mới như khu kinh tế tự do. Từ đó, thành phố mới có công cụ để thu hút các nhà đầu tư thế hệ mới và đó là một trong những cách thức để thu hút đầu tư, sử dụng đầu tư có hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng mới cho Hải Phòng ■