Sáng 23/9, mực nước thượng nguồn sông Mã đạt đỉnh và đang xuống chậm; trung, hạ lưu sông Mã, sông Lèn đang lên. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh báo động 2 trên sông Mã tại Giàng.
Mực nước ở hạ lưu sông Mã. |
Các địa phương vùng thượng du trong tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tổ chức sơ tán 1.010 hộ, 3.721 khẩu đến nơi an toàn. Theo Công điện số 26, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương vùng hạ lưu sông Mã tuần tra canh gác đê theo cấp báo động, chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông, ven sông đến nơi an toàn.
Thượng du Thanh Hóa ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ
Trên các tuyến quốc lộ ủy thác cho tỉnh Thanh Hóa quản lý phát sinh sạt lở ta-luy, sa bồi mặt đường, rãnh dọc tại 178 vị trí, tổng khối lượng 60.009m3. Ngoài hai điểm ngập nước tại thị trấn Hồi Xuân và tại xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, hiện có 5 vị trí tắc đường do sạt lở đất đá nên lên huyện vùng cao Mường Lát gặp khó khăn.
Ngành giao thông vận tải Thanh Hóa đã bố trí nhân lực cùng phương tiện và 17 máy ủi máy xúc trên tuyến xử lý các điểm sạt lở, sa bồi mặt đường. Huyện Mường Lát chủ động huy động nhân lực, phương tiện xử lý các điểm ách tắc, sớm thông tuyến giao thông với huyện Quan Hóa.
Lũ chia cắt đường giao thông ở Mường Lát. |
Các tuyến đường tỉnh phát sinh 7 điểm bị ngập, trong đó có điểm ngập sâu tới 1,8m gây tắc đường. Đường giao thông liên xã, thôn có 45 điểm sạt lở, hư hỏng cầu, đường tràn, đập dâng.
Hiện, các ngành, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo phương phương châm "4 tại chỗ”.