Tổ chức kiểm tra, rà soát, có phương án xử lý bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê, chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông.
Theo Công điện số 21, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu tránh trú và các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện 378 hồ chứa đã đầy nước, 232 hồ có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường, trong đó có 23 hồ đang thi công. Đến thời điểm này nhân dân các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được 55% tổng diện tích cây trồng vụ thu mùa.
Ngày 20/9, mưa lớn ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình
Hiện, các doanh nghiệp thủy nông đang vận hành 15 trạm bơm tiêu thoát nước bảo vệ cây trồng, khu vực sản xuất, nơi cư trú. Các địa phương chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, đê điều, hồ đập, công trình xây dựng, nhất là công trình đê điều, thủy lợi, giao thông đang thi công dở dang; khẩn trương hoàn thành việc nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước.
Người lao động vớt rác, lưu thông dòng chảy trên kênh tiêu. |
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ, khu vực trọng điểm để sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.