27 năm trước, gác lại sự nghiệp “gõ đầu trẻ” tại Tuyên Quang, cô giáo Phạm Thị Huyền khăn gói về Hà Nội để tập trung chăm sóc gia đình.
Những khi rảnh rỗi, nhìn những em nhỏ là con, em những người lao động tỉnh lẻ về Hà Nội kiếm sống đang độ tuổi đến trường nhưng lại không được đến lớp, không biết chữ tại cụm 6, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, trái tim người giáo viên ấy như thắt lại.
Từ tình cảm và trách nhiệm của một nhà giáo, cô Huyền nghĩ phải làm điều gì đó cho bọn trẻ.
Nghĩ là làm, cuối năm 1997 cô đã bán đi bộ salon của gia đình để mua ba bộ bàn ghế học sinh, rồi sắm sách, vở, giấy, mực. Sau đó, cô đi đến từng gia đình vận động cho con em đến lớp.
Ngày 16/1/1998 là buổi học đầu tiên của lớp với sáu học sinh từ bảy đến 11 tuổi, tất cả các em đều chưa biết chữ.
Sau một thời gian ngắn, những “trái ngọt” đầu tiên đã xuất hiện.
“Hôm đó, tôi cho bọn trẻ đi chơi, khi về một cháu nói: Cô ơi, lúc đi đường con đọc được hết các biển quảng cáo rồi. Nghe được câu đó tự nhiên tôi thấy hạnh phúc quá”, cô Huyền kể lại.
Kiên trì trong suốt một năm, sáu đứa trẻ đã đọc thông, viết thạo. Tiếng lành đồn xa, sang năm thứ hai, số lượng học sinh đã tăng lên 11 em.
Cứ thế, số lượng học sinh năm sau lại cao hơn năm trước, có thời điểm lớp có gần 20 học sinh.
Căn nhà nhỏ của cô Huyền không còn đủ chỗ để cho các con học tập. Vì thế cô đã mượn phòng hội họp tại nhà G5 của tổ dân phố số 6, phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) làm lớp học.
Cùng một lớp, nhưng mỗi học sinh lại ở một độ tuổi khác nhau do vậy cô Huyền phải sắp xếp kế hoạch bài vở hợp lý, việc dạy cũng hết sức linh hoạt.
Lớp học tình thương của bà giáo Côi
Ngày nắng hay ngày mưa, bà giáo Huyền miệt mài lên lớp, dạy các em từng con chữ, từng phép tính. Nhiều em học hết chương trình tiểu học tại lớp cô Huyền thì tiếp tục vào học lớp 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân và học lên cao.
Đến nay, nhiều em đã tốt nghiệp, có công việc ổn định, có em đã lập gia đình. Đến khoảng năm 2017, nhận thấy không chỉ có những con có hoàn cảnh khó khăn mà nhiều con bị khuyết tật không có điều kiện học hành, cô Huyền mở rộng thêm quy mô của lớp.
Cô Huyền cho biết: "Nhìn các con bị bệnh tật, khiếm khuyết như vậy tôi thương lắm. Biết là sẽ vất vả hơn, nhưng tôi vẫn quyết nhận dạy các cháu, dạy một lần không được thì dạy hai, ba lần, thậm chí dạy đi dạy lại hàng chục lần cũng không sao. Chỉ cần các cháu đến với tôi là tôi sẵn sàng dạy".
Từ tình yêu thương ấy, cuộc sống của nhiều em khuyết tật đã thay đổi hoàn toàn. Các em không chỉ được cô dạy chữ, mà còn dạy cả kỹ năng để tự phục vụ bản thân mình.
Chị Vũ Thị Huê là mẹ của học sinh Nguyễn Mạnh Nghĩa, một học sinh bị thiểu năng trí tuệ, cho biết: "Tôi quê ở Thái Bình lên Hà Nội làm thuê. Ngày trước ở quê tôi cũng cho con đi học, nhưng vì con bị bệnh cho nên không học gì được. May mắn qua sự giới thiệu của mọi người, tôi biết đến cô Huyền và cho con theo học cô từ năm 2017 đến nay. Học cô không những không mất chi phí gì, mà con tôi tiến bộ hơn rất nhiều. Con không chỉ được học chữ mà còn được cô dạy rất nhiều kỹ năng, từ việc biết tự đi xe đạp đến giúp đỡ việc nhà cho mẹ. Con yêu quý và nghe lời cô hơn cả mẹ. Vào những dịp lễ, Tết cô còn tặng quà, giúp đỡ mẹ con tôi".
Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Chiện cho biết: "Hằng ngày, thấy cô Huyền kiên trì lên lớp dạy cho các em nhỏ thiệt thòi, tôi rất khâm phục. Đã bước sang tuổi thất tuần, mà tình yêu và tâm huyết dành cho bọn trẻ của cô không vơi đi chút nào. Cảm phục tấm lòng ấy, trong nhiều năm qua tổ dân phố đã hỗ trợ phòng học cũng như tiền điện, tiền nước. Một phần là chung tay cùng cô Huyền được giúp đỡ các cháu nhỏ thiệt thòi, một phần để người dân nơi đây học tập, noi gương tinh thần của cô Huyền".
Tròn 26 năm mở lớp, tình yêu người, yêu nghề của cô giáo Huyền chưa bao giờ vơi. Nhưng vì sức khỏe không còn như xưa, cho nên từ cuối năm 2023 cô đã bàn giao cho cô Lã Thị Bảy đứng lớp.
Là giáo viên dạy văn đã về hưu của trường THCS Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, khi được cô Huyền tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”, cô Lã Thị Bảy đã rất cố gắng học hỏi.
“Năm nay tôi bước sang tuổi 65. Khi được cô Huyền chọn đứng lớp thay cô, tôi rất vui, nhưng cũng rất lo lắng. Để có thể làm quen với các con, cũng như học hỏi phương pháp giảng dạy của cô Huyền, từ ngày 1/8/2023, ngày nào tôi cũng lên lớp để dự giờ. Trong suốt một tháng dự giờ ấy, tôi không chỉ làm quen với các con mà còn học được rất nhiều điều bổ ích từ cô Huyền”, cô Bảy chia sẻ.
Không chỉ vậy, để làm tốt công việc được giao, cô Bảy còn thường xuyên tham gia các khóa học hướng dẫn về phương pháp giáo dục học sinh đặc biệt. Nhiều lần cô còn đến một số trường dành cho học sinh khuyết tật để xem cách dạy, từ đó vận dụng vào việc giảng dạy của mình.
26 năm miệt mài cống hiến, trong chiếc tủ kính đặt trang trọng ở phòng khách của gia đình có đủ các giấy khen, huy chương của các cấp, ngành, đơn vị ghi nhận những đóng góp của cô Huyền cho sự nghiệp trồng người.
Thế nhưng với người giáo viên ấy, điều hạnh phúc hơn cả là được ngắm nhìn nụ cười hồn nhiên, hạnh phúc của những học sinh trong lớp học đặc biệt của mình.