Ấm lòng lớp học tình thương

Không giảng đường, không học phí, không giáo án khô cứng, điều dễ nhận thấy nhất ở “Lớp học 0 đồng” của Hội Phụ nữ phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chính là sự đồng cảm, tình yêu thương của chị em phụ nữ với những em học sinh nghèo, gia cảnh khó khăn trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Cô Tống Thị Hiệp giảng bài cho học sinh.
Cô Tống Thị Hiệp giảng bài cho học sinh.

1/ Gần nửa năm nay, đều đặn chiều thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, căn phòng nhỏ tại Trung tâm Văn hóa thể thao và Học tập cộng đồng phường Hải Châu 2 lại sáng đèn đón học sinh. Theo quy định, giờ vào lớp là 17 giờ nhưng hầu như hôm nào chị Thi Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường và cô giáo Tống Thị Hiệp (57 tuổi) cũng đến sớm 15-20 phút để mở cửa quét lớp, lau bàn ghế, bảng đen trước khi bắt đầu buổi học. Đúng 17 giờ, các em răm rắp ngồi vào chỗ trong tư thế lưng thẳng, hai tay đặt lên bàn, mắt nhìn lên bảng theo chỉ dẫn của cô giáo Hiệp. Trước khi vào bài học chính, cô Hiệp ân cần hỏi thăm tình hình học tập của các em ở trường trong tuần qua, hỏi những chuyện vui ở lớp. Chỉ đợi có vậy, các em thi nhau giơ tay kể lại kỷ niệm vui ở trường, khoe điểm 9, điểm 10 với cô giáo. Sau phần chào hỏi, cô Hiệp bắt nhịp, cả lớp cùng hòa ca bài hát “Lớp chúng mình” với giai điệu tươi vui, đoàn kết. Bài hát kết thúc cũng là lúc cô Hiệp bắt đầu buổi dạy, các em lần lượt lấy bút thước, mở tập vở vào bài học.

Sau hơn 32 năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, năm 2020, cô Hiệp về hưu và nuôi ý định mở lớp học miễn phí tại nhà cho học sinh nghèo. Do dịch bệnh, ý tưởng về lớp học dang dở mãi đến mùa hè năm 2022. Tình cờ một lần nghe cán bộ Hội Phụ nữ phường Hải Châu 2 nói ý tưởng về “Lớp học 0 đồng” cho học sinh nghèo, khó khăn tại khu dân cư Trung Tạm 2, cô Hiệp liền nhận lời làm giáo viên đứng lớp.

Để có cơ sở vật chất cho lớp học, Hội Phụ nữ phường đi xin bàn, ghế, bảng đen cũ mang về sơn sửa lại; xin phòng sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa thể thao và Học tập cộng đồng phường làm lớp học; vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, bút mực cho các em. Chị Thi Thị Hải cho biết, lớp học hiện có khoảng 15 em, độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Các em hầu hết là con của hộ nghèo, hộ khó khăn, phụ nữ đơn thân không có điều kiện học thêm ở các trung tâm gia sư. Để bảo đảm chất lượng dạy học, lớp được chia thành 2 nhóm. Nhóm lớp 1, 2, 3 do chị Hải phụ trách và nhóm lớp 4, 5 do cô Hiệp phụ trách, chủ yếu dạy và ôn tập kiến thức 2 môn Toán và tiếng Việt. Trong mỗi buổi học, các cô bám sát chương trình học ở trường của các em để củng cố, bồi dưỡng kiến thức theo kịp lộ trình. Sau khoảng 2-3 tuần học, các cô cho học sinh làm bài kiểm tra để đánh giá mức độ hiểu bài của từng em và đề ra hướng dạy hiệu quả cho thời gian tới. Bên cạnh dạy kiến thức, các cô còn dạy cho các em phép tắc, lễ nghĩa trong cuộc sống, để biết đi thưa về trình, biết sống yêu thương, chan hòa, giúp đỡ bạn bè, người khuyết tật, người lớn tuổi chung quanh.

2/ Nhờ có “Lớp học 0 đồng”, các em học sinh được bồi dưỡng, củng cố kiến thức, tiến bộ hơn trong học tập. Không những thế, lớp học còn là nơi để các em sinh hoạt, vui chơi, gặp gỡ bạn bè, hạn chế tình trạng rong chơi ngoài đường hoặc dán mắt vào ti-vi, điện thoại sau giờ lên lớp. Em Lê Hoài Gia Linh (lớp 3) chia sẻ: “Ở đây các cô dạy rất nhiệt tình và vui vẻ nên em tiếp thu bài tốt hơn, cải thiện thành tích học tập rất nhiều”. Còn với em Trương Trần Gia Hân (lớp 1), lớp học không chỉ là ngôi nhà chung đầy vui nhộn, mà còn có những người mẹ hiền giúp em biết đọc, biết viết, biết đi thưa về trình, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. Chị Hải tâm sự: “Sau gần nửa năm hoạt động, lớp học không chỉ hoàn thành mục tiêu giúp các em về mặt kiến thức mà còn là địa điểm sinh hoạt, vui chơi bổ ích, thú vị cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp gia đình các em yên tâm mưu sinh”.