Lớp học tình thương Ngọc Việt do anh Huỳnh Quang Khải (sinh năm 1991), một hướng dẫn viên du lịch, thành lập. Anh Khải cùng vài người bạn thành lập lớp học này từ năm 2008, khi còn là đoàn viên phường Hiệp Thành.
Thầy giáo là trẻ mồ côi
“Tôi là trẻ mồ côi cha từ nhỏ, nên tôi hiểu được thiếu thốn tình thương như thế nào. Hồi nhỏ đi học, sợ nhất là thấy cảnh các bạn được cha mẹ đưa đón. Chạnh lòng lắm! Hằng ngày, lúc rảnh rỗi tôi thường đạp xe quanh khu phố, thấy nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, ở quê lên đây mưu sinh, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ hoặc là con em công nhân, người lao động. Một số em đã mười mấy tuổi vẫn chưa biết mặt chữ. Do đó tôi và một số bạn đoàn viên thanh niên trong phường quyết tâm thành lập lớp học này”, anh Khải chia sẻ về lý do mở lớp học tình thương Ngọc Việt.
Duy trì tới năm 2013, do quá bận rộn với công việc hướng dẫn viên du lịch, không có thời gian đứng lớp, Khải đã đóng cửa lớp học một thời gian. Năm 2015, một lần gặp lại học trò cũ bán vé số dạo, nhặt ve chai ngoài đường, bọn trẻ năn nỉ thầy Khải mở lại lớp khiến anh không thể cầm lòng. Vậy là vợ chồng Khải cùng nhau gây dựng lại lớp học. Thời gian đầu rất khó khăn, phải vận động tiền của anh em bạn bè, bà con làng xóm nhưng không đủ. Sau hai vợ chồng chấp nhận bán số vàng hồi môn để gom góp tiền mua sắm bàn ghế, mua tập vở cho tụi nhỏ. Không có điều kiện thuê địa điểm mở lớp, vợ chồng Khải tận dụng khoảng sân trước nhà quây lại, lợp mái tôn làm lớp học. Một tấm bảng nhỏ, chục bộ bàn ghế và giá sách, cứ thế mà lớp học đơn sơ đã tồn tại ròng rã suốt gần 10 năm.
Giữa nhịp chảy tấp nập của đường phố, trong một con hẻm nhỏ ở quận 12, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đều đặn 6 buổi/tuần, các em lại đến lớp. Lớp dạy các em từ 18 giờ 45 phút đến 21 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, do ban ngày, những đứa trẻ ấy còn phải mưu sinh kiếm sống, phụ giúp gia đình. Toàn bộ kinh phí để duy trì lớp học như sách vở, bàn ghế, dụng cụ học tập đều do gia đình anh Khải tích cóp mua sắm. Niềm vui của anh là mỗi ngày nhìn thấy học trò đến lớp đầy đủ, dần biết đọc, biết viết, biết tính những con toán đơn giản đầu đời.
Không khó để chúng tôi tìm được địa điểm của lớp học. Trong gian nhà rộng khoảng 20m2, gần 30 em nhỏ đang tranh thủ ăn cháo, mì, uống sữa để chuẩn bị truy bài. Hầu hết các em đi làm về muộn rồi thu xếp đến lớp ngay cho nên đều không kịp ăn tối. Với sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân nên ở lớp luôn có đồ ăn cho các em tự lấy, tự nấu ăn rồi dọn dẹp.
Vì sao lớp lấy tên là Ngọc Việt? - chúng tôi hỏi. “Ngọc là viên ngọc còn Việt là lấy từ nghệ danh của tôi lúc còn làm MC đám cưới - Việt Khải. Mỗi em học sinh đến đây đều là một viên ngọc quý của tôi. Tôi thương tụi nhỏ như con ruột của mình”, người thầy chia sẻ.
Anh Khải cho biết, trước dịch Covid-19, lớp có tổng cộng 40 em trên địa bàn quận 12 theo học thường xuyên. Từ khi xảy ra dịch, lớp tạm nghỉ dài ngày, một số em bỏ lớp vì phải theo gia đình về quê. Đến nay, lớp còn 29 em, từ 8 đến 19 tuổi. Dù còn nhiều thiếu thốn về vật chất nhưng các em rất có ý thức, học hành chăm chỉ. Ở lớp học đặc biệt này, các em nhỏ được dạy miễn phí 2 môn cơ bản là Toán và tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, ngoài ra các em được học một môn đặc biệt gọi là “Nhân cách sống”. Vợ chồng anh Khải không chỉ dạy lũ trẻ biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia mà còn dạy chúng biết điều hay lẽ phải, biết đối nhân xử thế, để lớn lên thành người có ích. Toàn bộ kinh phí duy trì lớp học dựa vào tiền lương của hai vợ chồng anh Khải.
Học trò là những “viên ngọc”
Qua thời gian, vợ chồng anh Khải cố gắng đầu tư cho lớp học nhiều trang thiết bị. Lớp học cũng nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm từ đồ ăn hằng ngày như cháo, mì, sữa cho học sinh ăn mỗi ngày; đến các trang thiết bị học tập, được đầu tư cơ sở vật chất khang trang sạch đẹp hơn.
Chi phí để duy trì lớp học mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng bao gồm tiền điện, tiền ăn của các bạn nhỏ. Kinh phí được anh Khải trích ra từ lợi nhuận của xe bánh mì “chàng Béo”, bán bánh mì chả cá nóng hằng ngày cùng sự giúp đỡ của bạn bè và một số nhà hảo tâm. Từ tháng 11/2021 đến nay anh Khải đã mở được bốn xe bánh mì “chàng Béo” mục đích để dạy nghề cho các em lớn, sau đó duy trì kinh phí cho lớp học. Sau này các em không học ở lớp nữa sẽ có thể tự mua xe bánh mì kiếm sống và tự lập cho bản thân. Trung bình 1 ngày xe bánh mì đem lại thu nhập 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Thay vì phải thuê người bán, anh Khải sẽ giao cho hai em đứng bán dưới sự giám sát từ xa của mình, sau khi trừ chi phí gốc, tiền lãi anh Khải sẽ cho các em.
Chúng tôi hỏi: Từ lúc thành lập lớp đến giờ, anh có nhớ số lượng học sinh của mình là bao nhiêu không. Anh Khải cười hiền: Tôi không đếm nổi nhưng chắc chắn không ít hơn 1.000 học sinh. Vì lớp đa dạng thành phần và lứa tuổi, thời điểm cao nhất là 116 em. Có những bạn bây giờ đã có vợ, có con rồi.
Trong quá trình dạy học, khó khăn nhất với anh Khải là sự kiên trì. “Có một chị là phụ huynh của bé học ở lớp, nay nghỉ rồi. Chị ấy học chung với con, sau nửa năm thì viết được tên mình. Khi ấy chị òa khóc như một đứa trẻ”.
Nhìn lại thành quả nhiều năm đứng lớp, anh Khải khiêm tốn nói mình chưa làm được gì nhiều, chỉ mong “tụi nhỏ sống có ích cho xã hội là được rồi”. Ròng rã suốt 14 năm qua, người thầy vẫn lặng lẽ làm cái việc mà nhiều người cho là “rảnh”. Nhưng với anh Khải, cái “rảnh” này khiến anh hạnh phúc và thấy mình sống có ý nghĩa mỗi ngày.