Lớp học tình thương ở miền biển Tây Nam

Hơn 60 tuổi đời nhưng đến giờ, lão Sang mới tự viết được đúng tên mình. Cụm từ "tôi thương bà", lão cũng vừa ráp vần thành thục, luôn miệng đọc cho bà xã nghe trong tâm trạng sung sướng và không chút ngượng ngùng. Chuyện bé tẹo thế thôi nhưng với lão Sang lại vô cùng ý nghĩa…
0:00 / 0:00
0:00
Ðã 65 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Thao vẫn tham gia lớp học tình thương Sào Lưới.
Ðã 65 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Thao vẫn tham gia lớp học tình thương Sào Lưới.

"U70" đi học

Xế trưa, căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của ông Nguyễn Văn Sang (sinh năm 1960), ở ấp Sào Lưới (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) ê a tiếng đánh vần, đọc chữ của ông và vợ, cũng là bạn học cùng lớp, bà Lê Thị Mệnh (sinh năm 1961).

Trước hiên nhà, vợ chồng lão Sang ngồi ôn bài cạnh cái bàn tạm bợ bằng thùng các-tông. Hai mái đầu điểm bạc cạnh nhau, nắn nót từng con chữ từ bàn tay thô ráp, chai sạn vì dãi dầu sương gió. Lão ráp vần rồi đọc cho vợ nghe tên của mình, có cả cụm từ "tôi thương bà nhiều lắm" khiến bà Mệnh đỏ bừng mặt. Lão Sang vô tư khoe: "Sống chung đến từng này tuổi mới tự viết được cụm từ nịnh vợ. Ðúng là, nói thì dễ mà làm thì khó quá!".

Con sông Sào Lưới ngoằn ngoèo hơn 5km, đoạn cuối trước khi đổ nước ra vùng biển Tây Nam có điểm trường Sào Lưới, là điểm trường lẻ của Trường tiểu học Gò Công Ðông, nằm ngó mặt ra sông, tựa lưng vô bìa rừng. Ở đó có chừng 10 phòng học, trong đó có một phòng dành riêng cho lớp học tình thương mà lão Sang đang theo học. Tính luôn vợ chồng lão thì lớp học có tổng số chín người, trẻ nhất năm nay 26 tuổi, lớn nhất là bà Nguyễn Thị Thao, bước sang tuổi 65, đã lên chức "bà cố ngoại".

Cũng như nhiều thành viên trong lớp học tình thương Sào Lưới, gia đình bà Thao thuộc diện tha phương lập nghiệp. Ðông con và không có đất canh tác, vợ chồng bà làm thuê, làm mướn ven biển mưu sinh. Cái ăn, cái mặc phải tính toán từng ngày nên cái chữ cũng bị quên luôn trên bước đường lam lũ. Cũng vì lẽ đó, ở cái tuổi xế chiều, khi có dịp được đi học bà không chút đắn đo. Lọ mọ lấy trong bọc ni-lông ra hai quyển tập học trò, bà Thao khoe những dòng chữ ngoằn ngoèo to đùng, trong đó có tên của vợ chồng bà. Ðó cũng là thành quả bước đầu sau gần nửa năm bà kiên trì tham gia lớp học tình thương Sào Lưới. "Tôi đi học được cô giáo cho tập vở, cho đồ ăn, nhu yếu phẩm. Ðợt rồi ở ấp làm lại sổ hộ nghèo, tôi tự ký tên mà không phải điểm chỉ tay như trước" - bà Thao hớn hở.

Cùng chúng tôi đến tận nhà của những "học trò già" có bà Trương Kim Lến (59 tuổi), Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Sào Lưới, cũng là cô giáo trực tiếp của lớp học tình thương. Sau vài lần đi họp tổ phụ nữ, bà Lến phát hiện còn nhiều hội viên không ghi được tên mình. Bà nhen nhóm ý tưởng, bàn với chị Ðào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái xin mở lớp dạy chữ giúp chị em hội viên biết đọc, biết viết... Giữa tháng 8/2022, lớp xóa mù chữ Sào Lưới được khai giảng, duy trì cho đến tận ngày nay. Bà Lến nói vui: "Hồi trẻ học hết lớp 6 rồi có chồng, sanh con, nghỉ luôn. Cuộc sống mưu sinh bộn bề gian khó, ai ngờ đến già lên chức bà ngoại mà cũng được làm cô giáo như vầy".

Lớp học tình thương Sào Lưới duy trì ba buổi học vào chiều các ngày chẵn trong tuần, thường bắt đầu từ 16 giờ và kết thúc trước 18 giờ. Lịch học cố định nhưng đôi lúc phải linh hoạt điều chỉnh do học trò đi làm thuê ven biển chưa về kịp. Ðây cũng là lớp học xóa mù chữ thứ hai được mở ở địa bàn ven biển Sào Lưới từ năm 2015 đến nay. Học trò đa phần có hoàn cảnh khó khăn nên chính quyền và đoàn thể địa phương phải huy động thêm nhiều nguồn để hỗ trợ sách vở, nhu yếu phẩm… nhằm khích lệ, động viên và duy trì sĩ số lớp.

Trưởng ấp Sào Lưới Phạm Thái Nguyên bấm đốt ngón tay, nhẩm tính: "Rà soát mới đây, toàn ấp còn khoảng 15 người già mù chữ nhưng bà con sinh sống phân tán, chưa có điều kiện gom lại để mở lớp. Việc này địa phương cũng đang tính, nếu bà con có nguyện vọng đi học thì tới đây chúng tôi sẽ tạo điều kiện mở thêm một lớp học tình thương".

Quyết tâm không để mù chữ

Bảy năm trước, trong một lần công tác ở vùng ven biển xã Nguyễn Việt Khái, tôi tình cờ chứng kiến các bà, các mẹ tóc điểm bạc cùng nhau đi học chữ tại trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp Gò Công. Trở lại lần này, một lớp học tương tự cũng được duy trì tại địa điểm trên với chín học viên. Trực tiếp đứng lớp là thầy giáo nghỉ hưu Lê Khắc Mẫn. Ðây cũng là lớp học tình thương thứ ba được khai giảng từ khoảng giữa năm 2022, duy trì cho đến nay trên địa bàn vùng ven biển huyện Phú Tân.

Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, triều cường xuất hiện liên tục ven biển Gò Công gây ngập cục bộ. Bởi vậy, lịch học của lớp tình thương tại trụ sở ấp phải điều chỉnh linh hoạt theo con nước lớn - ròng của biển. Cũng như lớp học trước đó, học trò lần này đa phần lớn tuổi, người trẻ nhất sinh năm 1989, lớn nhất sinh năm 1958. Ngó sơ qua danh sách, tôi thấy có năm học trò là người dân tộc Khmer, cùng ngụ ấp Gò Công. Trong đó, giỏi nhất là bà Thạch Thị Xà Long (sinh năm 1961).

Từ một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng sau hơn nửa năm kiên trì bám lớp, bà Long giờ đã thuộc hết bảng chữ cái, tự ráp vần và viết được tên mình. "Tôi còn thuộc bảng cửu chương, làm được một số phép tính đơn giản, đi chợ cũng tự đọc được hầu hết biển hiệu tiếng Việt" - bà khoe. Theo đánh giá của thầy giáo phụ trách lớp học xóa mù chữ Gò Công, ngoại trừ bà Xà Long thì bốn học trò người dân tộc Khmer còn lại tiếp thu khá chậm, chỉ biết đánh vần các âm vần ngắn, kể cả việc tính toán cộng trừ trong phạm vi 100… Học trò lớn tuổi, nhiều lúc học trước quên sau nhưng đến nay, hầu như ai trong lớp học cũng chưa nghỉ buổi nào, ngoại trừ lúc ốm đau, bệnh tật. Ðó cũng là động lực thôi thúc các thầy, cô kiên trì bám lớp, bám người học mà không nề hà khó khăn, đòi hỏi bất kỳ thù lao, chế độ gì cho bản thân.

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện xóa mù chữ tại địa phương, cô Nguyễn Thị Thúy Chiều, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Phú Tân cho hay: Cuối năm 2015, lớp học tình thương đầu tiên của huyện tổ chức tại trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp Gò Công, do Hội Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái đảm trách. Ngày khai giảng, lớp buồn xo bởi chỉ có ba học viên. Sau gần một tháng kiên trì tuyên truyền, vận động, hơn chục người đã chủ động đến lớp rồi duy trì đến cuối cùng. "Học trò phần đông là người dân tộc Khmer cao tuổi tại địa phương. Sau năm kỳ tham gia học tập (tương ứng với lớp 1, 2, 3, 4, 5 của cấp phổ thông), các học viên "ra trường", được phòng cấp giấy chứng nhận hoàn thành xóa mù chữ. Hôm trao giấy chứng nhận, cả thầy và trò rơm rớm nước mắt" - cô Chiều kể lại.

Sau thành công của những lớp học tình thương buổi sơ khai, cấp ủy, chính quyền huyện Phú Tân càng quyết tâm hơn trong công tác xóa mù chữ cho cư dân vùng ven biển tại địa phương. Ðó cũng là nơi quy tụ một bộ phận không nhỏ dòng người di cư không đất sản xuất. Ðể có cái ăn qua ngày, nhiều gia đình phải ra biển mò tôm, giăng lưới cá hoặc vô rừng bắt ba khía, ốc len... Cả đời vật lộn với miếng cơm, manh áo nên một bộ phận không nhỏ trong số đó dù đã lớn tuổi nhưng chưa được đi học ngày nào. Thấy rõ những thiệt thòi nêu trên nên trong nhiều năm qua, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Phú Tân mạnh dạn tổ chức nhiều lớp học "xóa mù" kiểu tình thương mến thương cho người lớn tuổi.

Chỉ tính riêng từ khoảng giữa năm 2022 đến nay, có ít nhất ba lớp được tổ chức tại địa phương ven biển này. Trong số đó, có một lớp tại thị trấn Cái Ðôi Vàm, với sáu học trò là các em bán vé số, mồ côi cha mẹ… Trực tiếp đứng lớp này là thầy Lê Hạnh Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Cái Ðôi Vàm 1. Cũng như lớp học xóa mù chữ dành cho người lớn tuổi, lớp học tình thương của các em mồ côi dạy hai môn tiếng Việt và Toán, chia làm năm kỳ tương ứng với năm lớp học bậc phổ thông của cấp tiểu học.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân Trương Hoàng Khải cho biết: Từ năm 2022, huyện đặt mục tiêu xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với người từ 15-60 tuổi biết chữ đạt 90% trở lên. Khó nhất vẫn là khâu vận động, bởi dù rất muốn nhưng nhiều người học đang là lao động phụ giúp cha mẹ, có khi là trụ cột gia đình, phải dành nhiều thời gian đi làm thuê mưu sinh. Vì vậy, để bảo đảm duy trì lớp học, chính quyền và đoàn thể phải huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần giúp người học kiên trì bám lớp, quyết tâm không để vì khó khăn mà bị mù chữ. "Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh mở lớp học xóa mù chữ cho người lớn tuổi, trong đó hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ là ở vùng ven biển huyện Phú Tân. Cách làm nêu trên tiếp tục được lãnh đạo tỉnh khuyến khích duy trì bằng nhiều hình thức, góp phần đẩy mạnh xã hội học tập theo phương châm học tập suốt đời" - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân khẳng định.

Chiều muộn. Lớp học tình thương ở Sào Lưới của các học trò tóc đã điểm bạc lại ê a tiếng đánh vần, đọc chữ. Giỏi nhất trong lớp là bà Mệnh vợ lão Sang, giờ không chỉ thuộc rành các con chữ mà còn nhìn màn hình hát được nhiều bài karaoke qua thùng loa "kẹo kéo". Lão Sang cũng đang phấn đấu được chừng ấy để mỗi khi đi làm thủ tục hành chính có thể tự ghi vào những tờ khai, tự ký được tên mình..., và những lúc xa nhà biết chữ hỏi đường về nhà. Quyết tâm ấy tuy đơn sơ nhưng có thể thành động lực để hai đứa cháu ngoại lão Sang quyết tâm "học nữa, học mãi".