Một buổi chiều, thấy khách bước vào cửa lớp, những học sinh trong lớp học tình thương của bà giáo Côi đứng bật dậy, khoanh tay chào rất lễ phép. Bà giáo già cười đôn hậu, nhìn những khuôn mặt đủ mọi lứa tuổi đang ngồi rất ngoan ngoãn, rồi cho biết: “Trong lớp có một số cháu không tiếp thu được kiến thức sách vở, nhưng tôi vẫn dạy các cháu những kỹ năng sống cơ bản. Đến lớp, thêm bạn bè, chúng cũng vui vẻ, lạc quan hơn”.
Lớp học của bà giáo Côi mở tại ngõ Giếng Mứt, phường Trương Định, quận Hoàng Mai có 14 học sinh. Học sinh nhỏ tuổi nhất 12 tuổi và học sinh lớn nhất của lớp vừa bước sang tuổi 29. Tất cả các em đều bị thiểu năng trí tuệ, mắc bệnh đao bẩm sinh hoặc mắc các bệnh về thần kinh... Có em đã theo học cả chục năm trời, nhưng cũng có em đến lớp được hơn một năm.
“Năm 1994, khi đang là Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, tôi được biết, UBND quận Hai Bà Trưng tìm giáo viên để mở lớp dành cho trẻ lang thang, cơ nhỡ và trẻ em nghèo. Nhận thấy đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, cho nên tôi đã xung phong nhận lớp”, bà giáo Côi nhớ lại. Sau khi nhận lớp, bà Côi đến từng tổ dân phố, từng phòng trọ để vận động phụ huynh cho con đến lớp. Suốt chín năm liền, bà Côi làm người đưa đò cho nhiều thế hệ học sinh nghèo, những đứa trẻ lang thang. Có những học sinh giờ đây đã có nghề nghiệp ổn định, có người học lên tới đại học. Những lời thăm hỏi, những bước trưởng thành của những đứa trẻ thiếu may mắn năm nào tiếp thêm động lực cho bà tiếp tục duy trì lớp.
Cho đến nay, dù không còn được nhận tiền trợ cấp dạy học hằng tháng, bà giáo Côi vẫn đều đặn đến lớp và mở rộng đối tượng học sinh được tuyển. Không chỉ dạy học cho các em là trẻ lang thang cơ nhỡ, bà còn vận động phụ huynh có con bị thiểu năng trí tuệ cho các em đến học miễn phí tại lớp của mình.“Tôi muốn trao cho các cháu một cơ hội được hòa nhập cộng đồng, được học tập và được kết bạn”, bà Côi chia sẻ. Khi tuyển đối tượng học sinh mới này vào lớp cũng là lúc bà giáo Côi phải đối mặt với sự vất vả. Những ngày hè nóng bức, có em học sinh đang học đột nhiên ngã lăn ra sàn bất tỉnh khiến cả lớp nhốn nháo. Những lúc như vậy, bà giáo Côi bình tĩnh đứng ra xử lý. Bà ổn định trật tự lớp, sau đó cho học sinh bị ngất nằm tại chỗ và bấm các huyệt đạo để giúp em tỉnh lại, đồng thời bà gọi xe cấp cứu để đưa học sinh của mình đi viện.
Một lớp chỉ có 14 học sinh, nhưng bà Côi phải dạy kiến thức của cả lớp 1, lớp 2 và lớp 3 vì “mỗi trò một trình độ”. “Cái khó nhất khi dạy trẻ thiểu năng là các cháu hầu như không có trí nhớ. Muốn giảng cho các cháu hiểu, phải giảng nhiều lần. Mỗi khi các cháu làm bài, tôi phải chụp các công thức toán học và bảng cửu chương để từ những kiến thức sẵn có đó, học trò có thể vận dụng vào từng bài toán cụ thể”, bà giáo già tâm sự. Mỗi lần muốn nhắc nhở học sinh về lịch học, bài vở, bà giáo Côi lại gọi điện dặn dò từng vị phụ huynh.
Hầu hết học sinh trong lớp đều có hoàn cảnh khó khăn. Có em mồ côi cha, có em thì bố mẹ ly hôn, phải sống cùng ông bà... “Nhiều cháu đến lớp mà không có bút, có vở để học. Tôi phải trích lương hưu để mua sách vở, phô-tô-cóp-pi tài liệu tặng các cháu có hoàn cảnh quá khó khăn. Cuối năm, tôi cũng đề xuất với phường, quận xin cho các cháu suất quà Tết”, bà giáo kể.
Em Mỹ, 29 tuổi, học sinh lớn tuổi nhất trong lớp tâm sự với chúng tôi: “Cô giáo hiền và thương chúng em lắm. Cô dạy em đọc, dạy viết và làm toán. Ngày nào em cũng mong được đi học để gặp cô”. Bà Nguyễn Thị Hạnh (ở phường Trương Định), mẹ của Mỹ tâm sự, con gái bà học ở lớp tình thương đã 10 năm nay, từ một cô gái không chút hiểu biết, giờ Mỹ đã có thể đọc, viết cơ bản. Gia đình bà biết ơn bà giáo rất nhiều.
Năm nay gần 80 tuổi, nhưng đều đặn ba buổi/tuần, bà Côi vẫn miệt mài, gắn bó với các em nhỏ tật nguyền, những số phận kém may mắn trong xã hội, mang tri thức và tình cảm ấm áp, nhân hậu của mình cho các em, giúp các em có thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống.