Lớp học tình thương trong khu phố

Một lớp học tình thương duy trì suốt bảy năm qua nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt huyết của các đoàn viên, thanh niên tình nguyện và dân quân tự vệ phường Tăng Nhơn Phú A (thành phố Thủ Đức) giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Các em nhỏ được các thầy, cô tình nguyện viên tại “Lớp học tình thương khu phố 4”, phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh dạy dỗ tận tình.
Các em nhỏ được các thầy, cô tình nguyện viên tại “Lớp học tình thương khu phố 4”, phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh dạy dỗ tận tình.

Gặp người lạ hay quen đến trụ sở khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, các em nhỏ tham gia lớp học tình thương ở đây đều cúi đầu lễ phép chào hỏi. Đây là nguyên tắc ứng xử thường ngày được các thầy, cô giáo ở đây rèn kỹ cho các em ngoài việc học kiến thức.

Nhìn những gương mặt hồn nhiên, ít ai biết rằng, các em đều có số phận đặc biệt: Trẻ chậm phát triển bẩm sinh, trẻ bị cha, mẹ bỏ rơi, cha hoặc mẹ mất sớm phải nương tựa nơi cửa chùa. “Lớp học tình thương khu phố 4” chính thức ra mắt ngày 28/12/2022, nhưng nhiều năm trước, lớp học này được hình thành và duy trì ở nhiều địa điểm khác nhau, sau được đưa về phòng họp của khu phố 4 với 12 em học sinh trong độ tuổi tiểu học.

Bí thư Chi đoàn thanh niên khu phố 4 Lâm Minh Nhựt, cho biết: “Lớp học tình thương tổ chức chung nhiều lớp khác nhau từ lớp 1 đến lớp 5 trong các buổi chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu trong tuần. Mỗi buổi, lớp học duy trì ít nhất ba đến bốn bạn sinh viên thuộc Chi đoàn thanh niên khu phố, các bạn sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường đại học Giao thông vận tải phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh và dân quân tự vệ khu phố. Đặc biệt nhiều hôm, lớp học bố trí “một kèm một” giúp các em mau tiến bộ”.

Các thầy, cô ở lớp học đặc biệt này đến với các em bằng tinh thần thiện nguyện của tuổi trẻ, muốn đóng góp phần nhỏ chia sẻ khó khăn cho các em có hoàn cảnh bất hạnh. Dù chỉ là “sân chơi” của các bạn sinh viên sau giờ học, nhưng lại được thực hiện rất đàng hoàng, nghiêm túc.

Bạn Phan Thế Bảo, sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Khó nhất ở lớp học này là các em trong độ tuổi rất hiếu động, nghịch ngợm. Các thầy, cô phải thật kiên nhẫn, khéo léo vừa nghiêm khắc để các em hiểu và nghe lời. Mục tiêu trong vài tháng tới sẽ giúp các em biết đọc, biết viết, biết ghép chữ, đánh vần và tính toán đơn giản trước khi vào lớp 1. Còn với những em đang học từ lớp 1 đến lớp 5 thì giúp các em ôn lại kiến thức trên lớp vững vàng hơn”.

Nhờ sự dìu dắt của các tình nguyện viên, các em nhỏ vượt qua tình cảnh ngặt nghèo, tiếp tục bám trường, lớp. Em Lương Minh Thiện (12 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt, bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ, được chùa Phước Tường, đường Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A cưu mang, nuôi nấng. Có biểu hiện thiểu năng từ nhỏ, Thiện tiếp thu bài vở rất chậm, có năm bị lưu ban. Nhiều người tưởng chừng em không thể theo được con chữ. Nhưng qua kèm cặp của các bạn sinh viên, Thiện hiện đang học lớp 5 tại Trường tiểu học Trương Văn Phần với học lực trung bình khá.

Không chỉ dạy dỗ các em, các thầy, cô của lớp học còn tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ để hỗ trợ vật chất cho các em học sinh nghèo. Chiều 11/4 vừa qua, tại “Lớp học tình thương khu phố 4”, các bạn đoàn viên, dân quân tự vệ khu phố 4 và Đội Công tác xã hội Trường đại học Giao thông vận tải phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh đã tặng hai em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hai chiếc xe đạp mới tổng trị giá 6,2 triệu đồng làm phương tiện đi lại. Kinh phí mua hai xe đạp này do các bạn ra quân tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom ve chai, phế liệu bán lấy tiền gây quỹ làm từ thiện…

Biết được lớp học tình thương này, nhiều người dân đã tặng từng hộp sữa, hộp bánh và sách, vở, bút, viết hỗ trợ các cháu nhỏ học tập. Ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng ban Điều hành khu phố 4 cho biết: “Tổ chức lớp học tình thương là việc làm rất ý nghĩa đối với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em trưởng thành trong cuộc sống. Các bạn sinh viên dạy học rất tâm huyết, giúp nhiều em chậm phát triển nắm bắt được kiến thức, kỹ năng, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn”.