Cụm dân cư Suối Khôn thuộc địa bàn xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông được hình thành từ năm 2003, là nơi sinh sống của hơn 560 đồng bào dân tộc Gia Rai. Cuộc sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm đặc biệt là trường học chưa được chưa được đầu tư. Con em trong độ tuổi đến trường phải đi ra trung tâm xã Ia Piơr để học tập, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người mù chữ và tái mù tương đối cao, phong tục tập quán còn lạc hậu…
Trung tá Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp chia sẻ: “Quá trình đi xuống địa bàn làm công tác vận động quần chúng, qua tìm hiểu, khu dân cư suối Khôn có 71 người dân bị mù chữ, trong đó có 44 nữ và 27 nam. Sau khi chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động thì có 45 người dân mong muốn được xóa mù chữ. Chính vì thế, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và được đồng ý để mở lớp xóa mù chữ”. Toàn bộ chương trình đều sử dụng tài liệu học xóa mù chữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Ia Piơr). Lớp học diễn ra vào 3 buổi tối mỗi tuần.
Tại Cụm dân cư Suối Khôn, từ tháng 4/2023 đến nay, Đồn Biên phòng Ia Lốp đã tổ chức khai giảng được hai lớp học xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số Gia Rai. Đợt 1 gồm 15 học viên, bắt đầu từ ngày 24/4 kết thúc vào ngày 24/8. Đợt 2 với 10 học viên bắt đầu từ đầu tháng 10. Tham gia dạy chữ cho bà con là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Hoằng (môn Toán) và Đại úy Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (môn Tiếng Việt).
Đại úy Nguyễn Văn Luân kể: “Cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Do không biết chữ nên bà con hay mặc cảm, tự ti, giao tiếp rụt rè. Để bà con đến lớp, chúng tôi đến từng nhà động viên, trò chuyện, nói rõ lợi ích của việc biết chữ. Đi học được bộ đội Biên phòng dạy không mất tiền, lại được cấp sách vở. Lúc đầu, nhiều người còn e ngại, nhưng dần dần bà con cũng hiểu ra và chăm chỉ đến lớp học”.
Để người dân đến lớp học đã khó, nhưng duy trì được lớp học lại càng khó hơn. Trung tá Vũ Văn Hoằng chia sẻ: “Ngày lên lớp, từ buổi chiều, anh em trong tổ công tác đã phải chia nhau đến từng nhà nhắc bà con nhớ đến lớp học. Có khi gần đến giờ vào lớp, thấy thiếu vắng ai thì chúng tôi cử người đến nhà tìm. Có người đang bận việc, anh em trong đội phân công ở lại làm giúp, để bà con yên tâm đến lớp. Rồi những khi trời mưa, chúng tôi phải chia nhau chạy xe máy đến nhà để đón”.
Đặc biệt, vào thời điểm mùa vụ, học viên bị chi phối nhiều về mặt thời gian vì phải vừa làm vừa học. Để đảm bảo duy trì sĩ số lớp học, các cán bộ Biên phòng phân công nhau đến giúp đỡ bà con việc đồng áng. Cá biệt, đơn vị còn cắt cử một đến hai người phụ trách thêm việc trông trẻ (con của học viên nữ) để giúp họ yên tâm tập trung học tập. Học viên của lớp ở nhiều độ tuổi khác nhau, vì thế, cách dạy của các “thầy” cũng khác nhau, nhưng chủ yếu là vừa dạy học vừa nói chuyện và phải nắm bắt tâm lý thì bà con mới chịu học, chịu lắng nghe. Từ đó, tạo hứng khởi để bà con chuyên cần đến lớp, đưa lớp học dần đi vào ổn định. Dần dần, bà con đã biết đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, cũng như có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.
Chị Kpui H’Lép (sinh năm 1996) là một trong những học viên tiếp thu nhanh nhất của lớp tại Cụm dân cư Suối Khôn. Chỉ sau 4 tháng theo học, chị đã có thể đọc, viết thành thạo. Chị vui vẻ chia sẻ: “Trước kia, tôi không biết chữ, rất tự ti và xấu hổ, thường xuyên bị người ta ép giá khi buôn bán. Giờ đã khác rồi, tôi đã học được cái chữ và biết tính toán. Tôi cảm ơn các thầy đã giúp tôi và người dân trong làng có cuộc sống tốt hơn”.
Dù lớn tuổi nhưng các học viên rất chăm chỉ, chịu khó đến lớp. |
Còn chị Rơ Lan H'Cúc (sinh năm 1997, trú làng Sâm, xã Ia Piơr) dù phải địu theo con gái nhỏ mới 2 tuổi đến lớp nhưng chị rất chăm chỉ và nghiêm túc học tập. “Tôi hối tiếc là không biết chữ sớm hơn. Giờ tôi đã có cơ hội học hỏi nhiều điều từ các thầy giáo và trong sách. Các thầy không chỉ dạy chúng tôi đọc, viết mà còn cho chúng tôi sách vở, bút, trông con và hướng dẫn trồng trọt. Tôi rất biết ơn các thầy”, chị Rơ Lan H'Cúc vui mừng cho biết.
Cứ đến ngày học, ông Kpah Choan lại chở con trai Kpah Vớt đến lớp. Ngồi phía ngoài phòng học nhìn con đánh vần từng con chữ, rồi làm phép toán, ông Choan tâm sự ông có 8 người con, Vớt là con út. Ngày trước, Vớt không chịu đi học. Nay thấy bộ đội biên phòng mở lớp, hai cha con ông cùng xin học để biết chữ và biết tính toán làm ăn. Còn Vớt thì phấn khởi khoe: “Nhờ lớp học này mà em đã biết đọc, biết viết, biết làm toán nữa. Sau này có đi đâu, em cũng không sợ bạn bè cười chê. Em sẽ cố gắng học, rồi đọc sách báo, tìm hiểu cách làm ăn để có cuộc sống ấm no hơn”.
Bám sát địa bàn, chia sẻ cùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã đồng hành cùng lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên của Tổ quốc. Đại úy Nguyễn Văn Luân tâm sự: “Lớp học xóa mù chữ không chỉ giúp bà con biết đọc, biết viết mà còn mở ra cơ hội để bà con tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế hay vào sản xuất. Đồng thời, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ biên giới Tổ quốc”.