Chuyện học chữ ở bản Phồng

Cuộc sống ở vùng biên ải với vô vàn khó khăn, giao thông đi lại cách trở… là những lý do làm cho nhiều người dân, nhất là chị em phụ nữ ở bản Phồng, xã biên giới Tam Hợp, huyện 30a Tương Dương (Nghệ An) không biết đọc, biết viết. Ðể góp phần nâng cao dân trí, Ðồn Biên phòng Tam Hợp phối hợp Trường tiểu học Tam Hợp tổ chức dạy xóa mù chữ cho chị em phụ nữ nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại úy Nguyễn Kim Trọng hướng dẫn học viên luyện viết chữ.
Ðại úy Nguyễn Kim Trọng hướng dẫn học viên luyện viết chữ.

Sau bữa cơm chiều, chúng tôi theo chân cán bộ Ðồn Biên phòng Tam Hợp (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) vượt gần 20 km đường rừng từ đơn vị đến bản Phồng, xã Tam Hợp để các anh kịp giờ lên lớp dạy chữ cho chị em phụ nữ nơi đây. Ðịa điểm lớp học là nhà văn hóa của bản.

Khi chúng tôi có mặt, các học viên đã tề tựu đông đủ để chuẩn bị cho buổi học mới. Không chỉ có các chị đến học, mà nhiều cháu nhỏ cũng theo mẹ, theo bà đến lớp. Những chị đến sớm hơn đang tranh thủ đánh vần, ôn lại bài học hôm trước và sẵn sàng cho bài học mới. Tại đây, chúng tôi gặp chị Vi Thị Mai. Cuộc sống gia đình khó khăn, ngay từ nhỏ chị Vi Thị Mai đã theo bố mẹ lên nương, lên rẫy nên việc học chữ bị gián đoạn; đến nay ở tuổi gần 40 chị mới có niềm vui biết đọc, biết viết khi tham gia lớp học xóa mù chữ do Ðồn Biên phòng và nhà trường mở ngay tại bản.

"Trước kia chưa nghĩ đến tương lai, sau biết suy nghĩ thấy rất cần đến con chữ nên chị em đã đi học. Nhờ thầy cô, các chú bộ đội dạy tận tình nên đã tiến bộ, biết đọc, biết viết", chị Vi Thị Mai chia sẻ.

Cùng với chị Mai, đều đặn vào tối thứ ba và thứ năm hằng tuần, 20 chị em phụ nữ người dân tộc Tày Poọng ở bản Phồng trong độ tuổi từ 25 đến 45 vẫn đều đặn cầm đèn pin, lội suối băng rừng… đi kiếm con chữ. Những tiếng đánh vần ê a ở nhà văn hóa bản vang lên giữa núi rừng dù nhiều người đã lên chức mẹ, chức bà.

Ða phần trong số họ vì cuộc sống khó khăn cho nên chưa được đến trường học chữ. Mỗi lần muốn nhắn tin điện thoại hay đọc thông tin trên sách báo đều phải nhờ người khác, các chị thấy rất tự ti và tủi thân. Nhưng giờ đây, không ít người đã lên chức bà song tỏ ra thích thú khi lần đầu được cầm bút tập viết chữ.

Với quyết tâm nâng cao dân trí cho người dân, Ðồn Biên phòng Tam Hợp đã phối hợp với địa phương và Trường tiểu học Tam Hợp mở lớp dạy xóa mù chữ cho chị em nơi đây. Là người trực tiếp tuyên truyền, phối hợp và duy trì lớp học hằng ngày, Ðại úy Nguyễn Kim Trọng, Ðội trưởng Vận động quần chúng, Ðồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: Lớp học được ấn định vào tối các ngày thứ ba và thứ năm trong tuần.

Ban đầu, việc duy trì lớp học xóa mù chữ ở vùng biên giới này cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi độ tuổi không đồng đều, thời gian bị chi phối nhiều bởi công việc gia đình và nương rẫy. Ðể duy trì lớp học ổn định, mỗi tối trước khi vào học chừng 30 phút, Bộ đội Biên phòng và thầy, cô giáo theo phân công vẫn thường gọi điện hoặc đến nhà những người không dùng điện thoại để nhắc họ đến lớp. Những người đi làm rẫy, trang trại, phải gọi điện hay nhắn tin từ buổi chiều hoặc thông báo qua hệ thống loa truyền thanh của bản để các học viên tham gia lớp học được đông đủ và đúng giờ. Ða số các học viên là lao động chính của gia đình, do vậy thời gian học được tổ chức linh hoạt vào ban đêm để các chị, các mẹ tham gia học đầy đủ.

Sự kiên trì của các học viên cũng là động lực để các giáo viên tham gia giảng dạy khắc phục khó khăn vượt đường sá xa xôi đến dạy chữ, giúp chị em thực hiện được ước mơ biết chữ. Là người đồng hành cùng các chiến sĩ biên phòng dạy xóa mù chữ cho các chị em, cô giáo Lô Thị Tấm, giáo viên Trường tiểu học Tam Hợp cho biết: Trong lớp học có nhiều chị em các lứa tuổi khác nhau cho nên để thuận lợi trong giảng dạy và giúp học viên tiếp thu bài tốt, các giáo viên phải phân ra từng loại, nhóm để có hướng dẫn phù hợp; người biết nhiều thì giao bài nhiều hơn; nhóm biết tự học thì giao cho tự học; phần còn lại cô tập trung cho nhóm hạn chế hơn.

Ðến nay, sau hơn hai tháng cố gắng của người dạy và các học viên, chị em đã biết đọc, biết viết. Chị Vi Thị Mai vui mừng: Trong lớp đã có nhiều người đọc thông, viết thạo, có người đã nhắn tin được bằng điện thoại mà không cần nhờ người khác; thậm chí có người đã biết làm phép tính toán... Chúng tôi cảm ơn các chú Bộ đội Biên phòng và các thầy, cô giáo Trường tiểu học Tam Hợp!

Ðồn Biên phòng Tam Hợp đứng chân trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn Tam Hợp, có năm thành phần dân tộc sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 50%. Chính vì vậy, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới thì việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Vì vậy, Ðảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã xây dựng nghị quyết, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế và nâng cao dân trí cho người dân. Phó Bí thư Ðảng ủy xã Tam Hợp Xồng Bá Nỏ cho biết: "Những cố gắng nỗ lực của các chiến sĩ biên phòng và các thầy, cô giáo đã giúp bà con biết đọc, biết viết. Có cái chữ, cuộc sống của các chị đỡ vất vả hơn, cùng với đọc thông viết thạo, thông qua sách báo, các chị còn áp dụng để phục vụ cho sản xuất, xóa đói, giảm nghèo cho gia đình và bản làng ■

Từ năm 2022 đến nay, Bộ đội Biên Phòng tỉnh Nghệ An đã tổ chức các lớp xóa mù chữ cho 200 người, chủ yếu là phụ nữ trung niên ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới miền Tây Nghệ An.