Lợi ích “3 trong 1” trong hợp tác doanh nghiệp và trường nghề

Nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao và giải quyết việc làm, đó là lợi ích “3 trong 1” khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp bắt tay với doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: HHT)
Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: HHT)

Cơ hội từ thực tế của doanh nghiệp

Thông tin về công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. Trong đó có những ngành như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ sơn ô-tô; công nghệ ô-tô; tự động hóa…

Không chỉ là những ngành thị trường đang cần, điểm chung của những ngành nghề này là đã có sự hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề với doanh nghiệp, để sinh viên có thể tiếp cận những bài toán thực tế ngay khi còn ngồi trên giảng đường.

Như tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, cơ sở này đã liên kết hợp tác lâu dài với hơn 200 doanh nghiệp. Từ đó, giúp cho sinh viên học nghề có cơ hội được thực tập đúng ngành đúng nghề trong 3 năm học, với 700 giờ thực tập tại doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp sẽ được nhà trường cung ứng nguồn lao động có chất lượng cao, đáp ứng ngay được yêu cầu công việc sau khi ra trường.

Lợi ích “3 trong 1” trong hợp tác doanh nghiệp và trường nghề ảnh 1

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội ký hợp tác với Công ty Cổ phần Codelovers Việt Nam nhằm tăng cường đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. (Ảnh: HHT)

Hợp tác với doanh nghiệp được xem là yêu cầu tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế luôn thay đổi và biến động.

Ở chiều ngược lại, việc tăng cường hợp tác đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp một cách hiệu quả.

Chính vì vậy, trong lễ tốt nghiệp khóa 10 của trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội diễn ra vào tháng 8/2022, đại diện nhà trường cho biết, hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đào tạo kỹ sư thực hành tại trường để sau này làm việc tại doanh nghiệp. Đây là cơ hội tốt cho sinh viên khi không chỉ rèn luyện kiến thức mà còn được hỗ trợ học phí và các khoản sinh hoạt, thậm chí được trả lương tại các tập đoàn, công ty như Hanwha, Agrimeco, PMC-VNPT, Carehom,…

Cần sự chủ động đổi mới từ nhà trường

Xây dựng các mô hình đào tạo kết nối doanh nghiệp, cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho người học và chú trọng đổi mới sáng tạo và nghiên cứu... đang được nhiều trường nghề áp dụng triển khai để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ tháng 7 năm 2015 có 1 chương với 2 điều quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp luôn tập trung mục tiêu: "Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho phát triển kinh tế".

Thạc sĩ Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ tháng 7 năm 2015 có 1 chương với 2 điều quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đây là sự khác biệt lớn của hệ thống giáo dục nghề nghiệp so với dạy nghề trước kia. Trên cơ sở của Luật Giáo dục nghề nghiệp, việc kết nối với doanh nghiệp trong tổ chức, quản lý và đặt hàng đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp dần được nâng tầm và mở rộng hơn.

Điều quan trọng là, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hợp tác với doanh nghiệp trong mọi công đoạn của quá trình đào tạo. Đó là từ khâu tuyển chọn đầu vào, đến đầu ra khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp một cách linh hoạt hơn, phù hợp với thực tiễn sử dụng nhân lực của doanh nghiệp.

Đặc biệt, dựa theo Kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn, hoạt động gắn kết với doanh nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã trở thành "tự thân, tự chủ" và rộng khắp của hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp các doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, đã xây dựng, thẩm định ban hành 600 quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) cho 300 ngành, nghề đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Cùng với đó, thí điểm xây dựng chuẩn đầu ra cho 17 nghề từ bậc 1-3.

Với mục tiêu hội nhập sâu rộng với thị trường lao động, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp các tổ chức quốc tế thí điểm triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến của một số nước phát triển như Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sỹ....

Đồng thời, các trường đã chuyển giao các bộ chương trình đào tạo tiên tiến của Australia, Đức, Pháp và Hàn Quốc, triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên có thêm cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực tập và làm việc sau này.

Đến nay, 21 trường triển khai xây dựng đề án triển khai chương trình chất lượng cao với 103 chương trình trình độ cao đẳng, trung cấp. 7 trường cao đẳng được cấp giấy chứng nhận liên kết đào tạo với nước ngoài theo Nghị định số 15/2019/NĐ-CP với 19 chương trình đào tạo cấp bằng của nước ngoài.

Ông Đỗ Văn Giang nhận định, gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững có chuyển biến tích cực. Cách nhìn nhận của doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp có thay đổi trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đã có nhiều hình thức, mô hình hợp tác đa dạng, phong phú; gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp.

Đại diện Vụ Đào tạo chính quy cũng nhấn mạnh: “Chủ động gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.