Thanh tra hai nội dung về giáo dục nghề nghiệp trong năm 2023

Trong năm 2023, thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội tổ chức thanh tra trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp về hai nội dung chính. Đó là chấp hành các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo tại Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. (Ảnh minh họa: Fanpage Hnivc).
Đào tạo tại Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. (Ảnh minh họa: Fanpage Hnivc).

Tập trung thanh tra tại khoảng 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ngày 1/11, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã ban hành Quyết định 1046/QĐ-LĐTBXH phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Theo Quyết định này, riêng với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có 11 đơn vị sẽ được thanh tra của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Trong số đó, có 5 trường ở Hà Nội gồm các đơn vị: Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai, Trường cao đẳng Y khoa Hà Nội, Trường cao đẳng Bách Nghệ Hà Nội, Trường cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ, Trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội; 3 trường ở Bắc Ninh gồm: Trường cao đẳng Y Dược Hà Nội, Trường cao đẳng Y tế Bắc Ninh, Trường cao đẳng Đại Việt. Ngoài ra còn có Trường cao đẳng Y tế Thái Bình (Thái Bình), Trường cao đẳng Y-Dược Thăng Long (Thanh Hóa), Trường cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang).

11 đơn vị sẽ được thanh tra của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, thanh tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng thanh tra 22 trường.

Bên cạnh đó, thanh tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng thanh tra 17 trường có đào tạo khối ngành sức khỏe và 5 trường cao đẳng mở địa điểm ngoài trụ sở chính không có trong quyết định cho phép thành lập, đổi tên, mở địa điểm đào tạo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Cơ quan này cũng thanh tra việc tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia ở hai cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Ninh và Khánh Hòa.

Mới có hơn 130 thanh tra viên về giáo dục nghề nghiệp

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến tháng 6/2021, tổng số thanh tra viên, công chức thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội trên cả nước là 434 người. Trong đó, số thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp chỉ có 131 người.

Qua thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hằng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Thanh tra Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã phát hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động giáo dục nghề nghiệp có những hành vi vi phạm hành chính chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Tính đến tháng 6/2021, tổng số thanh tra viên, công chức thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội trên cả nước là 434 người. Trong đó, số thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp chỉ có 131 người.

Cụ thể như: Chưa kiện toàn, thành lập Hội đồng trường, Hội đồng quản trị Trường; tuyển sinh vượt quá quy mô tuyển sinh/năm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó là các vi phạm về: tuyển sinh không đúng đối tượng; chậm ban hành một số quy định, quy chế thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp; đào tạo liên thông không đúng quy định; liên kết đào tạo nhưng không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không thực hiện đúng quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo; không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo đối với các ngành, nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; chưa phê duyệt mẫu phôi bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp trung cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; tổ chức đào tạo không bảo đảm thời gian đào tạo theo chương trình đào tạo; cấp văn bằng tốt nghiệp không đúng thẩm quyền và cấp văn bằng tốt nghiệp cho người học không đủ tiêu chuẩn; không cập nhật văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp; không thực hiện công khai, báo cáo theo quy định…

Qua công tác thanh tra, kiểm tra hằng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Thanh tra Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã phát hiện các cơ sở có những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Từ năm 2015 đến 2021, qua 6 năm triển khai thực hiện Nghị định số 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Thanh tra Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh thành, phố đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 116 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định số 79/2015/NĐ-CP. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với 76 tổ chức và 23 cá nhân với số tiền là hơn 3,7 tỷ đồng.

Cùng với đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 79/2015/NĐ-CP đối với 63 tổ chức, cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là gần 1,36 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có các biện pháp xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả. Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thanh tra hủy bỏ kết quả kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp đối với gần 14 nghìn người học.

Hướng dẫn công tác thanh tra năm 2023 của ngành lao động-thương binh và xã hội nhấn mạnh, trên cơ sở kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở), các đơn vị xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 theo các nội dung cụ thể, trong đó có thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là việc rà soát, nhận diện các vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, đưa ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; điều chuyển, luân chuyển vị trí việc làm theo quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, thực hiện xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng.

Về công tác giám sát, xử lý sau thanh tra, thực hiện giám sát hoạt động của tất cả các đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, kết luận thanh tra.

Về công tác xây dựng lực lượng, cử công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị. Qua đó, tăng cường hiệu quả, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; hướng tới xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp; giữ vững kỷ cương, liêm chính, đạo đức nghề nghiệp trong công tác thanh tra.

Các đơn vị thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các nội dung có liên quan. Nội dung báo cáo, thông tin bảo đảm chất lượng, theo biểu mẫu quy định.