Ước tính 1 ngày, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 950 tấn rác thải sinh hoạt. Các công nghệ khi sử dụng tại tỉnh Thái Bình gặp một số khó khăn do rác sinh hoạt phần lớn chưa được phân loại tại nguồn và thực tế lượng rác sinh hoạt tiếp nhận không ổn định, nên việc đầu tư không đem lại hiệu quả.
Nhiều bất cập trong xử lý rác thải nông thôn
Ông Trần Văn Khiêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Phong (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết: Xã có hơn 6 nghìn khẩu, trung bình 1 ngày phát sinh khoảng 2 tấn rác thải sinh hoạt.
Hiện trên địa bàn xã có 4 khu chôn lấp rác, tuy nhiên đều có quy mô nhỏ. Khu lớn nhất chỉ khoảng 2.000m2, còn các khu khác chỉ vài trăm m2. Xã đã quy hoạch khu chôn lấp tập trung quy mô 2ha, nằm xa khu dân cư, nhưng từ năm 2012 đến nay do thiếu kinh phí nên khu chôn lấp này vẫn “án binh bất động”.
Còn ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cho hay: Xã từ trước đến nay xử lý rác thải bằng cách chôn lấp, không đầu tư lò đốt thủ công bởi chi phí lớn, vận hành được khoảng 2-3 năm là hỏng hóc, sự cố.
Tuy nhiên, với quỹ đất ngày càng hạn hẹp, địa phương rất mong muốn được tiếp cận với những công nghệ xử lý hiện đại, có thể xử lý rác tập trung theo quy mô lớn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 2 lò đốt công suất 4 tấn/giờ; 101 lò đốt rác thải rắn sinh hoạt thủ công; 115 bãi chôn lấp ở các xã theo Quy hoạch nông thôn mới và một dây chuyền sản xuất phân compost.
Mấy năm qua, tỉnh vẫn loay hoay lựa chọn giữa tiếp tục chôn lấp hay chuyển hẳn sang lò đốt.
Thực tế cho thấy, bãi chôn lấp đang chiếm nhiều diện tích đất. Ngoài ra, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác ra môi trường; nhiều bãi không hợp vệ sinh, phát tán mùi ra môi trường…
Còn 101 lò đốt rác thủ công đang hoạt động hiện nay phần lớn không đáp ứng quy chuẩn hiện hành. Tuổi thọ lò thấp, nhanh xuống cấp, địa phương không bố trí được kinh phí sửa chữa, thay thế.
Lựa chọn nhà đầu tư áp dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến
Để thay thế việc xử lý rác thải theo công nghệ cũ (bằng phương pháp đốt và chôn lấp) tại tỉnh Thái Bình, hiện nay Công ty cổ phần Thương mại Thành Đạt là đơn vị tiên phong thực hiện thành công dự án “Xử lý rác thải sinh hoạt vùng nông thôn”.
Rác thải sinh hoạt ùn ứ cục bộ vào một số thời điểm tại Thái Bình. |
Năm 2015, ông Đỗ Chí Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty đã đi nghiên cứu khoa học công nghệ và đưa vào ứng dụng thực tế tại Nhà máy xử lý rác tại thị trấn Quỳnh Côi (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), xử lý rác cho 16 xã với công suất 50 tấn/ngày.
Tính ưu việt của công nghệ này là phân loại tự động hơn 80% rác tách ra từng loại thành phần để tái chế ra các sản phẩm có ích phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp.
Cụ thể rác hữu cơ được tái chế thành phân bón; các loại nilon tái chế thành hạt nhựa, các chất vô cơ như gạch, đá, cát, sỏi được tái chế thành gạch block… Ưu điểm nữa là hệ thống xử lý nước thải trong nhà máy theo quy chuẩn B được tái sử dụng không thải ra môi trường.
Để giảm thiểu các lò đốt rác gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Thái Bình đã ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với dự án đầu tư xử lý rác thải tập trung, quy mô lớn đến năm 2025.
Trước mắt, tỉnh yêu cầu các địa phương chú trọng công tác quy hoạch, tạo quỹ đất sạch bàn giao khi có nhà đầu tư. Tổ chức vận động, tuyên truyền cho nhân dân biết, đồng thuận trong giải phóng mặt bằng dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình đặc biệt lưu ý các địa phương phải lựa chọn các nhà đầu tư có tâm, có tầm, có công nghệ xử lý phù hợp để tập trung xây dựng nhà máy xử lý tập trung, qua đó tiến tới giảm dần những bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, những lò đốt rác công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng.