Liên kết để phát triển du lịch bền vững

Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định: "…Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh sông Hồng; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia trong vùng…". Cụ thể hóa mục tiêu đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để liên kết phát triển du lịch bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng tàu du lịch cao cấp Ao Tiên, huyện Vân Ðồn mới được đưa vào phục vụ du khách tham quan các tuyến đảo của Quảng Ninh.
Cảng tàu du lịch cao cấp Ao Tiên, huyện Vân Ðồn mới được đưa vào phục vụ du khách tham quan các tuyến đảo của Quảng Ninh.

Bài 1: Chủ động đón đà phục hồi du lịch

Với sự tương đồng về lợi thế địa lý, thiên nhiên ưu đãi và kết nối giao thông thuận tiện, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đang nỗ lực tạo liên kết phát triển du lịch, đưa ngành "công nghiệp không khói" phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quảng Ninh và Hải Phòng đều có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, khai thác được nhiều loại hình du lịch. Trong thời gian qua, ngành du lịch tại Hải Phòng và Quảng Ninh đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế

Chị Nguyễn Thùy Trang, du khách đến từ quận Long Biên (Hà Nội) đã cho cả gia đình đến đảo Cát Bà đúng dịp huyện Cát Hải khai trương du lịch Cát Bà xanh. Chị phấn khởi cho hay: Trong mấy ngày tại đảo, các thành viên trong gia đình không chỉ được chứng kiến không khí sôi động của cuộc đua thuyền rồng trên biển, các trận bóng chuyền bãi biển hấp dẫn, nhất là đã tận hưởng cảnh đẹp trên vịnh Lan Hạ, xứng đáng là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới như Hiệp hội các Vịnh biển thế giới công nhận.

Hải Phòng là một trong số ít địa phương trên cả nước hội tụ đủ năm loại hình giao thông được kết nối đồng bộ, thông suốt, gồm: Ðường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Quần đảo Cát Bà - nơi được ví như đảo ngọc của du lịch biển phía bắc với nhiều danh hiệu quốc gia và quốc tế được công nhận như: Danh lam thắng cảnh-Di tích quốc gia đặc biệt; Khu Dự trữ sinh quyển thế giới; Vườn quốc gia, Khu Bảo tồn biển và vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới… Với giá trị nổi bật về hệ sinh thái biển đảo, đa dạng sinh học, cùng với vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà đang được trình UNESCO để được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có nhiều di tích lịch sử, văn hoá với kiến trúc độc đáo, gắn với suốt chiều dài lịch sử hình thành mảnh đất, con người nơi đây. Theo Phó Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Lê Phúc, Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú gắn liền với biển và tài nguyên du lịch sinh thái - những điều kiện quan trọng để du lịch phát triển bền vững, trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia.

Ngay sau khi Chính phủ cho phép hoạt động du lịch được mở cửa trở lại từ ngày 15/3/2022, ngành du lịch Hải Phòng đã có sự trở lại nhanh chóng và hồi phục mạnh mẽ. Thành phố đã tập trung cao trong thực hiện Kế hoạch số 05/KH-BCÐ của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch thành phố Hải Phòng theo chủ trương phục hồi và phát triển du lịch Hải Phòng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch vừa nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, vừa sáng tạo xây dựng, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới. Ngành du lịch Hải Phòng đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại cũng giúp cho vận tải hành khách Hà Nội-Hải Phòng và ngược lại bằng đường sắt tăng trưởng kỷ lục. Chỉ tính trong năm 2022, lượng hành khách đường sắt trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng có hơn 700 nghìn lượt người, tăng gấp năm lần so với năm 2021.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Khắc Nam, năm 2022, du lịch Hải Phòng đón và phục vụ 7 triệu lượt khách, tăng 89% so với cùng kỳ, vượt 55% kế hoạch năm 2022; trong đó, khách quốc tế là 682 nghìn lượt, tăng 948% so cùng kỳ. Doanh thu đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ 2021. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2023, thành phố Cảng đã đón và phục vụ được gần 1,4 triệu lượt khách, tăng 17,86% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế gần 227 nghìn lượt khách; doanh thu đạt 1.248 tỷ đồng.

Làm mới các sản phẩm

Việc đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động là một trong những giải pháp lâu dài không chỉ thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh mà còn khuyến khích du khách chi tiêu và quay trở lại nhiều hơn. Quảng Ninh chú trọng nâng chất các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đa dạng, phong phú, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Ông Ðường Kiên, du khách đến từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc chia sẻ: "Ðây là lần thứ hai, tôi sang Việt Nam. Tại Móng Cái du lịch đã mở cửa bình thường, có nhiều sản phẩm mới, trải nghiệm khá thú vị, đồ ăn thì ngon, các dịch vụ rất chuyên nghiệp".

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 1.654 cơ sở lưu trú du lịch với 33.593 phòng đã được xếp hạng, 133 công ty, chi nhánh lữ hành và 12/13 địa phương được công nhận các tuyến, điểm du lịch. Hạ tầng du lịch Quảng Ninh có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại đã góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc. Ðược ví như một "Việt Nam thu nhỏ", du lịch Quảng Ninh với các sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao đã và đang thu hút, níu chân du khách. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch được tỉnh chú trọng và đạt hiệu quả cao. Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc...

Trong năm 2023, Quảng Ninh sẽ có 38 sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác, tiêu biểu như sản phẩm du lịch trên bờ gồm: Tuyến phố đêm, phố đi bộ Long Tiên, cụm di tích núi Bài Thơ và hồ Hải Thịnh, phường Hồng Hải. Sản phẩm du lịch mới trên vịnh Hạ Long gồm: Phố đêm du thuyền; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên vịnh; dịch vụ nghe nhạc trên vịnh Hạ Long; khu trưng bày giới thiệu giá trị địa chất-địa mạo, đa dạng sinh học tại hang Ðầu Gỗ; điểm check-in vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng di sản tại cầu vọng cảnh hang Ðầu Gỗ; điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Thế Huệ cho rằng: Trong phát triển du lịch, sản phẩm du lịch sẽ tạo nên sự khác biệt, xây dựng thương hiệu và hình ảnh của mỗi điểm đến, mỗi địa phương và mỗi vùng khác nhau. Việc xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với từng giai đoạn là rất cần thiết và quan trọng, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn hiện nay ■

(Còn nữa)

"Ðại hội Ðảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định ba đột phá chiến lược. Một trong ba đột phá chiến lược đó là phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa…".

NGUYỄN VĂN TÙNG

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng