Trong vòng đàm phán kéo dài hai ngày này, các quan chức Liên hợp quốc và hơn 20 đặc phái viên, trong đó có đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan, gặp phái đoàn chính quyền Taliban do người phát ngôn Zabihullah Mujahid dẫn đầu. Vòng đàm phán ở Doha tập trung thảo luận về việc tăng cường hợp tác với Afghanistan và phản ứng mang tính phối hợp cao hơn với quốc gia này, bao gồm các vấn đề về kinh tế và nỗ lực chống ma túy.
Hai cuộc họp lần trước, đại diện của chính quyền Taliban không tham dự do không được mời hoặc được mời nhưng từ chối tham dự. Được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khởi xướng vào tháng 5/2023, các cuộc họp về Afghanistan nêu trên nhằm mục đích "tăng cường sự can dự của cộng đồng quốc tế với Afghanistan một cách chặt chẽ, nhịp nhàng và có tổ chức hơn".
Kể từ khi lên nắm quyền tại Afghanistan vào tháng 8/2021, Taliban đã áp dụng nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cho đến nay, chính quyền Taliban vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều nước, tổ chức quốc tế và các cơ quan viện trợ đã cắt giảm tài trợ cho Afghanistan, khiến nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Afghanistan cũng là quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Sau nhiều năm chìm trong giao tranh, quốc gia này hiện là một trong những nước nghèo nhất thế giới và không có sự chuẩn bị cần thiết để ứng phó với hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tổ chức Save the Children gần đây cảnh báo, khoảng 6,5 triệu trẻ em Afghanistan sẽ phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng trong năm 2024 do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng của lũ lụt và hậu quả lâu dài của hạn hán. Trong bảng xếp hạng Chỉ số Rủi ro khí hậu dành cho trẻ em, Afghanistan đang đứng vị trí 15 trong số 163 quốc gia trên thế giới.