Liên hợp quốc đề cao những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam

Ngày 12/4, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Quốc tế)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Quốc tế)

Nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong điều phối các nỗ lực đa phương nhằm ứng phó các thách thức chung của cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam coi Liên hợp quốc là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu.

Khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ sự hợp tác và hỗ trợ quý báu của Liên hợp quốc trong suốt chặng đường phát triển đất nước gần 50 năm qua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn bà Tamesis sẽ là cầu nối hiệu quả giữa các tổ chức Liên hợp quốc và chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành Việt Nam; thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng đề nghị các tổ chức Liên hợp quốc trong thời gian tới ưu tiên thúc đẩy bốn lĩnh vực ưu tiên hợp tác. Đó là, huy động nguồn lực, triển khai thành công Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững Việt Nam-Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam; đồng thời, tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, huy động tài chính xanh...

Bà Tamesis đề cao những đóng góp chủ động, tích cực và hiệu quả của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và hoạt động của Liên hợp quốc. Bà nhấn mạnh, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt do đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững.

Theo bà Tamesis, các tổ chức Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành để Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội mới và ứng phó các thách thức, huy động nguồn lực quốc tế phục vụ sự phát triển bền vững, bao trùm.

Bà chia sẻ, trong bối cảnh nguồn vốn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) toàn cầu có xu hướng giảm 10-20% mỗi năm, Liên hợp quốc đang cùng Việt Nam xây dựng chiến lược huy động nguồn lực quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển lớn của Việt Nam.